Biểu tượng Apple tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, nhiều khách hàng tại Australia khiếu nại với Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) về việc các sản phẩm iPhone và iPad không hoạt động được sau khi cập nhật hệ điều hành iOS, sự cố được gọi là "lỗi 53".
Theo các khách hàng này, Apple đã khẳng định với họ rằng các sản phẩm không được hưởng chế độ bảo hành nếu đã được một bên thứ 3 sửa chữa.
ACCC đã khởi kiện Apple tại Tòa án Liên bang Australia năm ngoái, cho rằng hãng đã diễn đạt sai hoặc lừa dối khách hàng về quyền lợi của họ. Ủy ban này nêu rõ theo luật của Australia về quyền lợi của người tiêu dùng, nếu một sản phẩm bị lỗi, khách hàng có quyền được hưởng chế độ bảo hành hoặc đổi sản phẩm, thậm chí có thể được hoàn tiền.
Phán quyết của tòa ủng hộ khiếu kiện của ACCC, khẳng định rằng không thể từ chối chế độ bảo hành đối với khách hàng hoặc quyền của khách hàng được sửa sản phẩm chỉ vì sản phẩm đó đã được một hãng khác không phải là Apple sửa chữa.
Apple đã thừa nhận thông tin sai như trên đối với ít nhất 275 khách hàng ở Australia trong thời gian từ tháng 2/2015 đến tháng 2/2016 thông qua hình thức tư vấn khách hàng trực tiếp, trên trang thông tin điện tử hoặc qua điện thoại.
Hiện Apple chưa có bình luận gì về phán quyết của Tòa án Liên bang Australia.