Sụt giảm do đâu
Khảo sát trên thị trường, giá thép Hoà Phát hôm nay 29/8 với dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.530 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 13.740 đồng/kg. Giá thép Việt Ý, với dòng thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 13.690 đồng/kg, với dòng thép cuộn CB240 vẫn duy trì ở mức 13.640 đồng/kg. Giá thép Việt Đức, với dòng thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 13.890 đồng/kg, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.740/kg.
Tại các đại lý thép, giá thép được bán với mức hơn 14.000 đồng/kg (tương đương 14 triệu đồng/tấn). Như vậy, so với thời điểm tháng 4/2023, giá thép trên thị trường đã giảm khoảng 1,5 – 1,7 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), quý III hàng năm thường là giai đoạn tiêu thụ thấp trong năm do mùa mưa và tháng 7 âm lịch có rất ít công trình xây dựng dân dụng được khởi công. Các nhà máy liên tục giảm giá bán để đáp ứng kế hoạch sản xuất - bán hàng. Hoạt động sản xuất và bán hàng thép trong tháng 7 bắt đầu có cải thiện, nhưng rõ ràng, mức độ phục hồi không quá nhiều.
Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, nguyên nhân giá thép liên tục giảm thời gian qua là do tiêu thụ chậm. Hiện các dự án dân dụng khởi công quá ít, còn các dự án cao tốc tuy có khởi sắc nhưng cũng chưa đủ sức giúp cho thị trường thép tốt hơn. VSA cho rằng giá thép trong nước liên tục phải điều chỉnh giảm còn do các doanh nghiệp phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.
Nhận định về thị trường thép những tháng qua, chuyên gia ngành thép Nguyễn Văn Sưa cho hay, nguyên nhân khiến giá thép trên thị trường Việt Nam giảm mạnh được cho là xuất phát từ sự giảm giá của nguyên liệu đầu vào. Cùng đó, nguồn cung thép rất tốt, hàng tồn kho lớn nên buộc các doanh nghiệp thép Việt Nam phải hạ giá sâu để đẩy lượng lớn hàng tồn kho đi.
Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 cùng sự giảm phát tại các thị trường khiến việc xây dựng nhà cửa, cầu đường giảm sút; nhu cầu mua thép của người tiêu dùng cũng ít hơn. Đây cũng là lý do khiến tổng cung lớn hơn tổng cầu và đẩy giá thép xuống thấp.
Liệu có phục hồi?
Giá thép liên tục giảm và nằm ở mức thấp khiến cho sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành này gặp khó.
Tập đoàn Hòa Phát cho biết, do sức cầu vẫn yếu và tình hình thời tiết không thuận lợi cho hoạt động xây dựng, tiêu thụ thép xây dựng của tập đoàn này trong tháng 7 vừa qua chỉ đạt 261.000 tấn, giảm 9% so với tháng 6 vừa qua. Lũy kế 7 tháng, thép xây dựng Hòa Phát cung cấp cho thị trường 1,9 triệu tấn, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Thép cuộn cán nóng HRC cung cấp ra thị trường cũng trong khoảng thời gian này là 1,5 triệu tấn, giảm 4% so với 7 tháng đầu năm 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 3,46 triệu tấn, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước.
Theo VSA, tình trạng dư cung có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong khu vực, vì các nhà máy lớn đang khởi động lại các lò hiện có hoặc khởi động các lò mới vào tháng 8 và tháng 9. Cạnh tranh gay gắt hơn khi thị trường đang bị thu hẹp. VSA dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình tiêu thụ thép vẫn kém và có thể còn nhiều đợt giảm giá nữa.
Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực hơn, theo nhiều chuyên gia, thị trường thép có thể được cải thiện và tăng trưởng trong quý còn lại của năm nay, khi nhu cầu xây dựng tăng cao. Kỳ vọng thị trường bất động sản dần phục hồi vào giai đoạn cuối năm 2023 cũng được coi là nền tảng thuận lợi cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, ngành sản xuất thép vượt khó trong giai đoạn cuối năm. Vào ngày 27/05, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Công điện 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cũng nhận định, đầu tư công gia tăng đối với các dự án cơ sở hạ tầng sẽ là “lực kéo” giúp thị trường sắt thép nội địa vượt khó trong cuối năm nay.
Ngoài ra, đại diện MXV cũng nhận định, tuần này sẽ tiếp tục là tuần rất sôi động đối với thị trường quặng sắt. Cụ thể, vào ngày 31/8 tới, Trung Quốc sẽ công bố chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất tháng 8. Số liệu này sẽ được thị trường đặc biệt quan tâm do đây là chỉ số tiết lộ sự thu hẹp hay mở rộng trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc, lĩnh vực sử dụng lượng lớn kim loại cơ bản làm nguyên liệu đầu vào.
Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, các nhà chức trách nước này vẫn đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế. Do đó, nếu Trung Quốc tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ kinh tế trong tuần tới, giá quặng sắt, sắt thép có thể nhận được hỗ trợ.
Không chỉ thị trường Trung Quốc, triển vọng tiêu thụ quặng sắt, nguyên liệu đầu vào chính trong ngành sản xuất thép tăng cao tại Nhật Bản, quốc gia sản xuất thép lớn thứ ba thế giới, cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá quặng sắt duy trì được đà tăng.
Bộ Công Thương cũng nhận định, các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới. Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại nhưng vẫn ở mức tích cực trong quý II và các quý tiếp theo của năm 2023.
“Chính phủ đã và sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, nhất là trong những tháng cuối năm để tạo sự tăng trưởng đột phá sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…. Theo đó, giải ngân đầu tư công sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, từ đó góp phần quan trọng kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước”, báo cáo từ Bộ cho biết.