Bài 1: Đòn bẩy "bước ra" thế giới
Các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA cùng hàng loạt FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, thực thi trước đó đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam mạnh dạn bước ra thế giới.
Mở đường cho hàng Việt
Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương thông tin, hơn 2 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, quan hệ kinh tế - thương mại đã thực sự trở thành điểm sáng trong bức tranh hợp tác song phương Việt Nam - EU với những kết quả đáng ghi nhận, xuất khẩu tăng trưởng ở mức hai con số.
Theo đó, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng rất mạnh, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch. Hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2021 kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 57,01 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu 16,9 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tính 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 52,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu đạt 39,7 tỷ USD, tăng 23,5%.
EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng xuất khẩu của cả nước (2015 - 2021) .
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU (năm 2021- theo Eurostat).
Theo bà Nguyễn Thảo Hiền, không chỉ tăng về kim ngạch, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa. Ngoài các mặt hàng truyền thống như máy móc - thiết bị (43%), giày dép (54%), dệt may (44%), kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như: cà phê (43,4%), thủy sản (31,6%), rau quả (23,5%), gạo (12,2%)…
Đặc biệt, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới với quy mô khoảng 2,1 nghìn tỷ EUR (năm 2021), trong khi thị phần hàng hóa nhập từ Việt Nam mới chỉ chiếm gần 2% (theo Eurostat); cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam - EU cũng phần nhiều mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp. Do vậy dư địa thị trường còn tương đối lớn để các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới.
Dưới góc độ ngành hàng, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đang giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư. Từ đó các doanh nghiệp có thể thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với giá trị lớn hơn, có được kinh nghiệm quản lý điều hành và nhận chuyển giao công nghệ hiện đại từ các tập đoàn lớn nước ngoài.
Xét cụ thể về FTA điển hình như CPTPP, sau 3 năm thực thi đã mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam. Đầu tiên, hiệp định đã mở ra thị trường khá lớn cho hàng hóa nông thủy sản, thực phẩm chế biến Việt Nam, bởi quy mô kinh tế của nhiều nền kinh tế trong CPTPP tương đối lớn. Trước khi thực thi CPTPP hầu hết nông sản, thực phẩm của Việt Nam không thể tiếp cận được các thị trường thành viên bởi hàng rào thuế quan rất cao. Việc xoá bỏ hầu hết các dòng thuế theo cam kết tạo ra nhiều thuận lợi giúp các doanh nghiệp đa dạng hóa và lựa chọn thị trường xuất khẩu phù hợp với lợi thế của chính mình.
Doanh nghiệp nắm bắt cơ hội
Tận dụng cánh cửa FTA, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm cơ hội và từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu. Tiến sĩ Phạm Đình Thưởng, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư và Tận dụng Hiệp định Thương mại tự do KTPC đánh giá, trong số 15 Hiệp định FTA Việt Nam đang thực thi, có 3 FTA thế hệ mới là CPTPP, EVFTA và UKVFTA là những hiệp định rất quan trọng. Đây là các FTA mang lại nhiều kết quả đàm phán cơ lợi cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam, tạo dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường các nước Đông Á.
Theo kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp, có khoảng 85,8% doanh nghiệp thuộc nhóm chịu tác động từ các FTA cho rằng hội nhập đang mang lại tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ (con số này năm 2016 chỉ là 46,8%). Như vậy, nhận thức của doanh nghiệp về tác động tích cực của tiến trình hội nhập FTA đang ngày càng được cải thiện.
Mức độ hiểu biết của các doanh nghiệp về các FTA cũng tăng lên khi có 26,1% các doanh nghiệp có hiểu biết khá rõ về các FTA (con số này tăng lên từ mức 12,6% năm 2016). Đây là một tín hiệu tích cực thể hiện sự quan tâm cũng như tạo cơ sở để doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các FTA này.
Chia sẻ lợi ích thiết thực mà các FTA mang lại cho doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết, với EVFTA, các mặt hàng nông sản chế biến xuất khẩu sang EU đều được giảm thuế. Nhờ đó, doanh số xuất khẩu của Phúc Sinh sang thị trường này tăng lên đáng kể.
Nếu như năm 2020, Phúc Sinh xuất khẩu sang châu Âu trị giá hàng hoá 50 triệu USD thì đến năm 2021 đã tăng lên 63 triệu USD, tương đương mức tăng 26% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng khoảng 30% trong năm 2022. Ngoài lợi ích cho xuất khẩu, hoạt động nhập khẩu cũng được hưởng lợi từ EVFTA. Điều này giúp các doanh nghiệp tự tin hơn trong việc đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng hoá mặt hàng để cạnh tranh với nhiều nước trên thế giới.
Ngoài hoạt động xuất khẩu các nông sản như hạt tiêu, cà phê, Phúc Sinh còn hoạt động thương mại quốc tế. Phúc Sinh thu mua hạt tiêu của Indonesia và bán lại cho các khách hàng châu Âu, Mỹ. Phúc Sinh có lợi thế nhà máy tiêu tiệt trùng mà tại Indonesia không có, trong khi thị trường châu Âu chỉ nhập khẩu tiêu tiệt trùng. Hoạt động này của doanh nghiệp được “trợ lực” bởi Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) đã đưa thuế suất nhập khẩu hạt tiêu từ Indonesia vào Việt Nam về mức 0%. Nhờ đó Phúc Sinh đã có được lợi thế rất lớn khi cạnh tranh với các nhà thương mại từ Hà Lan, Đức.
Ông Nguyễn Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, gạo Việt Nam đã tiếp cận thị trường châu Âu trước khi EVFTA có hiệu lực nhưng phải chịu mức thuế nhập khẩu rất cao, từ 5 - 45% tuỳ từng quốc gia. Có khi nhà nhập khẩu gạo từ Việt Nam phải đóng thuế từ 100 - 200 Euro/tấn gạo, do đó rất khó để cạnh tranh với gạo của các nước khác như Campuchia, Lào, Myanmar vì họ được đặc cách miễn thuế. Khi EVFTA được thực thi đã mang lại cơ hội cạnh tranh sòng phẳng cho gạo Việt Nam về giá cả.
Cùng với đó, chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu, đáp ứng tốt nhu cầu và được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng. Đến nay, Trung An đã xuất khẩu thành công gạo mang thương hiệu riêng vào thị trường châu Âu và bán được với mức giá ngang bằng với giá gạo của Thái Lan.
Bài 2: Thách thức đáp ứng tiêu chuẩn mới