Đây là sự kiện mở đầu cho Tuần lễ vải Việt Nam do Thương vụ Việt Nam tại Australia thực hiện nằm trong tổng thể chương trình xây dựng thương hiệu vải Việt Nam tại Australia và kế hoạch quảng bá vải Việt Nam năm 2021.
Những quả vải đấu giá trên được tuyển chọn từ lô hàng 17 tấn vải tươi đầu tiên của vụ mùa 2021 vừa cập bến và phân phối tại bang Tây Australia, địa phương có nền kinh tế mạnh nhất "xứ chuột túi".
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, tại siêu thị MCQ hôm 19/6 vừa qua, buổi đấu giá hộp vải tươi duy nhất thu hút rất đông sự chú ý của khách hàng. Hầu hết đều tỏ ra thích thú với cách làm mới, nhằm quảng bá rộng rãi hơn nữa giá trị của loại quả đặc trưng của Việt Nam. Nhiều người nhận xét vải tươi Việt Nam năm nay có mẫu mã bắt mắt và chất lượng vượt trội hơn hẳn so với các năm trước.
Trưởng cơ quan Thương vụ tại Australia Nguyễn Phú Hòa cho biết bên cạnh chất lượng vải tươi năm nay rất ngon, vượt trội, nhà nhập khẩu và phân phối chú trọng hơn tới việc cải thiện mẫu mã và bao bì đóng gói. Vì vậy, Thương vụ quyết định tổ chức đấu giá vải với mong muốn khẳng định giá trị và hỗ trợ gia tăng thương hiệu cho quả vải Việt Nam tại thị trường Australia. Toàn bộ tiền đấu giá sẽ được Thương vụ cùng với công ty nhập khẩu 4waysfresh chuyển về Việt Nam để ủng hộ trẻ em ở vùng trồng vải.
Trước khi vải tươi Việt Nam chính thức vào vụ, Thương vụ Việt Nam tại Australia, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Đại sứ quán và các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Australia, đã triển khai Chương trình xây dựng thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ quả vải Việt Nam tại thị trường lớn nhất châu Đại Dương. Thương vụ đã cử cán bộ trực phối hợp tháo gỡ khó khăn do thủ tục nhập khẩu, quảng bá, định hướng người tiêu dùng làm quen với các thương hiệu vải Việt Nam Golden Lychee (vải U hồng) và Thieu Lychee (vải thiều), đồng thời thực hiện quảng cáo kích cầu tại các khu vực tiêu thụ như quảng cáo trên mạng xã hội, cửa hàng, siêu thị và các kênh thông tin khác…
Trong tuần lễ vải Việt Nam, Thương vụ tiến hành đồng thời một loạt các hoạt động như quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, phát tờ rơi tới người dùng tại khu vực tiêu thụ ở các địa phương của Australia, thực hiện chương trình mua vải trúng thưởng sản phẩm cà phê Việt Nam, vận động các Hiệp hội doanh nghiệp, kiều bào cùng mua sản phẩm quê hương...
Năm nay dự kiến là một năm hứa hẹn đối với thị trường vải Việt Nam tại Australia. Chỉ tính riêng Công ty 4wayfresh, đơn vị nhập khẩu nông sản Việt Nam hàng đầu tại Australia, trong tuần này sẽ có thêm 1 container 40ft vải tươi cập cảng ở bang Tây Australia và 3 container nữa sẽ đến trong tổng thể kế hoạch nhập khẩu 100 tấn vải cho vụ mùa năm nay. Tại các bang khác như Victoria và South Australia, một số doanh nghiệp thương mại cũng đang khẩn trương tiến hành nhập khẩu vải thiều tươi Việt Nam để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Có mặt trên thị trường lớn nhất châu Đại Dương từ năm 2015, vải tươi Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng “xứ chuột túi” ưa thích. Nếu như trong những năm đầu tiên, số lượng vải tươi nhập khẩu chỉ dừng ở con số vài tấn, thì tới năm 2020 con số này đã lên tới xấp xỉ 80 tấn và dự kiến sẽ hơn 100 tấn cho vụ mùa năm 2021.
Ông Lý Hoàng Duy, Giám đốc công ty 4waysfresh, hoàn toàn tự tin để đặt các đơn hàng số lượng lớn vải tươi Việt Nam nhập khẩu. Theo ông, quả vải Việt Nam có hương vị thơm ngon và chất lượng vượt trội. Bên cạnh đó, nhờ nỗ lực cải tiến công nghệ và tăng cường khả năng bảo quản, chuyên chở, vải Việt Nam vận chuyển sang Australia vẫn giữ được độ tươi ngon như hàng bán trong nước. Phần đông người tiêu dùng, sau khi thưởng thức vải Việt Nam, đều hài lòng và cho rằng đây là dòng sản phẩm ngon nhất trên thị trường.
Ông Hoàng Luật, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu M, chuyên phân phối hàng cho hệ thống siêu thị MCQ, cho biết, lô hàng vải tươi đầu tiên vừa nhập khẩu vào bang Tây Australia là vải U hồng, loại vải chín sớm đầu mùa trước khi vải thiều vào chính vụ. Dòng vải này có vỏ màu vàng hồng, trái to, ngọt và mọng nước. Từ năm 2020, nhờ sự phối hợp và hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Australia, vải U hồng được quảng bá tới khách hàng và đã được nhiều người biết tới. Do đó, chỉ sau vài giờ mở cửa phân phối, các đại lý, cửa hàng bán lẻ và chuỗi siêu thị đặt mua hết toàn bộ 17 tấn vải U hồng vừa cập bến. Đặc biệt là 1kg vải tươi được tuyển chọn kỹ đã đấu giá thành công, minh chứng cho sự chào đón và ưa thích của người tiêu dùng Australia.
Là một trong những thị trường “khó tính” nhất thế giới, hoa quả tươi để có thể nhập khẩu vào Australia cần phải tuân thủ rất nhiều điều kiện kiểm dịch và an toàn sinh học chặt chẽ. Trước khi quả vải Việt Nam chính thức được cấp phép vào năm 2015, các nhà đàm phán Việt Nam đã phải mất tới 12 năm thương thảo nhằm gỡ bỏ một số hàng rào kỹ thuật với phía Australia.
Vải Việt Nam có lợi thế tại Australia vì có vụ mùa trái ngược hoàn toàn với vụ mùa thu hoạch vải trồng trong nước. Hơn nữa, tính đến thời điểm hiện nay, Australia mới chỉ mở cửa thị trường vải tươi cho duy nhất Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc. So với các nước này, vải Việt Nam chín sớm hơn, có chất lượng “nhỉnh” hơn và được ưa thích hơn. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất của vải tươi Việt Nam nhập khẩu sang Australia chính là chi phí vận chuyển khá cao, mặc dù giá bán vẫn rất hấp dẫn, trung bình từ 13-15 AUD/kg (230.000 - 270.000 VND/kg). Bên cạnh hình thức vận chuyển bằng đường hàng không, vải tươi Việt Nam cũng có thể được vận chuyển bằng đường biển tới Australia. Nhờ công tác bảo quản tốt, chất lượng và mẫu mã của vải tươi vận chuyển bằng đường biển không có nhiều chênh lệch so với vận chuyển bằng đường hàng không.
Hơn nữa, do Australia là quốc gia rộng lớn và trải dài, chi phí vận chuyển hàng hóa trong nội địa khá đắt đỏ. Để có thể nhập khẩu thành công vải tươi Việt Nam vào Australia, các doanh nghiệp thường phải tính toán rất kỹ. Hầu hết vải tươi nhập khẩu nếu vận chuyển bằng đường biển thường cập bến tại bang Tây Australia. Trong khi, tại hai bang đông dân số nhất Australia là New South Wales và Victoria, vải tươi Việt Nam chủ yếu được vận chuyển bằng đường hàng không, nhưng với chi phí cao hơn.
Với chất lượng thơm ngon, tiềm năng tiêu thụ vải tươi Việt Nam tại Australia vẫn còn rất lớn. Điều này thể hiện qua việc từ đầu mùa vải, khi Thương vụ kết nối giao thương, các doanh nghiệp nhập khẩu đều bày tỏ sự tin tưởng và hài lòng với với kế hoạch quảng bá, cũng như khẳng định nếu cước vận tải hợp lý hơn, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh nhập khẩu lên tới 300-500 tấn.