Mở rộng mã số vùng trồng
Hơn một ha vải sớm của gia đình anh Ngô Văn Ánh, thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa, Tân Yên, Bắc Giang từ đầu tháng 4 đã được Công ty cổ phần Bein (Hà Nội) đến ký hợp đồng cam kết tiêu thụ. Đây là năm thứ 3, toàn bộ vải của gia đình anh được doanh nghiệp cam kết bao tiêu. Theo anh Ánh, để doanh nghiệp ký kết bao tiêu, sản phẩm quả vải phải đạt chất lượng và tiêu chuẩn, do đó trong quá trình chăm sóc gia đình anh đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình cán bộ khuyến nông hướng dẫn. Vườn vải được dọn sạch cỏ và không có vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt vào những giai đoạn cuối, gia đình anh làm thuốc trừ sâu sinh học bằng dung dịch tỏi ớt để xử lý sâu đầu cuống, đồng thời trong giai đoạn này sản phẩm sẽ được các cơ quan chuyên môn test thử dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo chất lượng để xuất khẩu.
“Năm ngoái, toàn bộ vải của gia đình tôi được doanh nghiệp thu mua xuất sang Pháp và Nhật, với giá tận vườn là 35 nghìn đồng/kg. Năm nay, sản lượng vải khoảng 18 tấn, giảm khoảng 5 tấn do ảnh hưởng của thời tiết, hiện doanh nghiệp ký kết bao tiêu với giá thấp nhất là 35 nghìn đồng/kg giúp gia đình yên tâm về đầu ra cho sản phẩm”, anh Ánh cho biết.
Xã Phúc Hòa, thủ phủ vải sớm của Tân Yên có khoảng 680 ha vải thiều sớm, dự kiến sản lượng năm nay ước khoảng 9 nghìn tấn, giảm hơn so với năm ngoái khoảng 3 nghìn tấn. Trong đó, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 400 ha, GlobalGAP là 10 ha.
Ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phúc Hòa cho biết, xã xây dựng, duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải sớm Phúc Hoà đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chủ yếu tại các thôn: Quất Du 2, Phúc Lễ, Lân Thịnh, đồng thời lựa chọn, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, đóng gói, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước EU, Nhật Bản. Đối với vải thiều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, toàn xã có 1 mã với diện tích 600 ha; hiện xã đang đề nghị tách 1 mã cũ thành 11 mã để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cho thuận lợi và quản lý tốt hơn.
Đối với thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU... xã duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải sớm Phúc Hoà đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu với 3 mã vùng, diện tích 25 ha, sản lượng 300 tấn; xã đang đề nghị cấp 2 mã với quy mô 20 ha vào thị trường Mỹ; 4 mã vào thị trường Australia và thị trường Thái Lan với diện tích là 40 ha.
Năm 2023, diện tích vải thiều huyện Tân Yên là 1.340 ha, sản lượng khoảng 17 nghìn tấn; trong đó vải thiều sớm là 1.170 ha, sản lượng gần 15 nghìn tấn. Để đảm bảo chất lượng vải thiều sớm cho xuất khẩu, huyện tiếp tục duy trì diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm 900 ha, duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP 415 ha; xây dựng mới 1 vùng sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn GlobalGAP quy mô 10 ha.
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết tiêu thụ
Từ đầu tháng 4, các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu, tiêu thụ vải đã đến Tân Yên khảo sát từ rất sớm. Huyện dự kiến khoảng 9 nghìn tấn vải tiêu thụ thị trường trong nước và 8 nghìn tấn tiêu thụ thị trường ngoài nước, chủ yếu là xuất sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… Xác định kết nối tiêu thụ cần được thực hiện sớm, do đó huyện Tân Yên đã phân định rõ vùng trồng gắn với kế hoạch tiêu thụ xuất khẩu của từng doanh nghiệp và phân khúc thị trường.
Đến nay, có 8 doanh nghiệp vào địa bàn khảo sát, có kế hoạch xuất khẩu tiêu thụ vải. Tiêu biểu như: Công ty cổ phần Bein (Hà Nội) cam kết tiêu thụ từ 150 - 200 tấn vải trong mã vùng trồng xuất đi Nhật Bản, Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất nhập khẩu Toàn Cầu dự kiến xuất khẩu 50 tấn vải đi Nhật; Công ty TNHH Sản xuất thương mại Rồng Đỏ dự kiến xuất khẩu khoảng 500 tấn vải vào thị trường Trung Quốc...
Có 7 năm tiêu thụ vải ở các thị trường trong và ngoài nước, năm nay Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa dự kiến xuất khẩu khoảng 1.500 tấn vải đi các thị trường. Ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa cho biết, vải sớm Tân Yên được người tiêu dùng đánh giá cao vì chất lượng thơm ngon, mẫu mã đẹp. Năm nay Hợp tác xã vẫn đẩy mạnh tiêu thụ ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Đối với xuất khẩu, chúng tôi chủ yếu xuất đi các nước như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan và các nước Nhật Bản, EU, Mỹ. Hiện chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ tem nhãn mác và khoảng 50 nghìn thùng các loại để tiêu thụ vải.
Theo kế hoạch, huyện Tân Yên sẽ tổ chức xúc tiến tiêu thụ vải thiều sớm năm 2023 vào cuối tháng 5 tại xã Phúc Hòa. Qua đó, phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ, chú trọng hỗ trợ tiêu thụ vải thiều đến các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Nhật Bản và thị trường truyền thống Trung Quốc.
Ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Yên, Bắc Giang cho biết, đến kỳ chuẩn bị thu hoạch vải, huyện đã chủ động mời gọi doanh nghiệp về làm việc, tháo gỡ những khó khăn. Qua ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, tất cả những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp huyện đã có giải pháp chỉ đạo, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp vào tiêu thụ vải thiều cho nhân dân. Cùng đó, huyện chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, mua bán nông sản thông qua sàn thương mại điện tử của huyện, ứng dụng mạng Internet... để người dân tiếp cận, trực tiếp bán sản phẩm.