Ứng dụng chuyển đổi số trong vận hành hệ thống điện ở Lai Châu

Công ty Điện lực Lai Châu đã đưa trung tâm điều khiển xa và 2/4 trạm biến áp 110kV không người trực tại huyện Phong Thổ và Than Uyên vào hoạt động. Các hoạt động quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành lưới điện được Công ty Điện lực Lai Châu thực hiện trên các hệ thống phần mềm...

Thực hiện chủ đề năm 2021 về chuyển đổi số của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Lai Châu đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào mọi lĩnh vực quản lý, điều hành hệ thống điện; trong đó, có việc chuyển đổi các trạm biến áp từ có người trực sang không người trực; góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và uy tín của ngành.

Chú thích ảnh
Điện lực Lai Châu nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để cấp điện để người dân vùng sâu có điện lưới Quốc gia. Ảnh minh họa: Việt Hoàng/TTXVN

Công ty Điện lực Lai Châu đã đưa trung tâm điều khiển xa và 2/4 trạm biến áp 110kV không người trực tại huyện Phong Thổ và Than Uyên vào hoạt động. Các hoạt động quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành lưới điện được Công ty Điện lực Lai Châu thực hiện trên các hệ thống phần mềm như: báo cáo sản xuất vận hành hệ thống điện, hệ thống quản lý kỹ thuật, hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm trên lưới điện, hệ thống quản lý thông tin mất điện (OMS), tổng hợp báo cáo vận hành lưới điện 110 kV, hệ thống điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu SCADA/DMS.

Nhờ đó, năng lực quản lý vận hành hệ thống điện được nâng cao, đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động; đảm bảo an toàn lao động, vận hành an toàn tuyệt đối hệ thống lưới điện.

Ông Trần Minh Đức - Trưởng Phòng Điều độ, Công ty Điện lực Lai Châu cho biết, từ khi Trung tâm Điều khiển xa Lai Châu đi vào hoạt động, tại hai trạm biến áp 110 kV không còn công nhân trực vận hành, thiết bị. Thay vào đó, việc vận hành, thu thập thông số kỹ thuật của hai trạm biến áp này được tiến hành ngay tại Trung tâm Điều khiển xa, thông qua hệ thống SCADA/DMS và phần mềm Spectrum Power 5 (SP5), cùng với các hệ thống phụ trợ trạm biến áp không người trực như giám sát an ninh, hệ thống báo cháy, báo khói tự động… để theo dõi, quản lý trạm vận hành.

Các tính năng cơ bản của hệ thống phần mềm trung tâm SCADA/DMS đã được Công ty khai thác triệt để như: quản lý mô hình thông tin lưới điện bao gồm quản lý tất cả các dữ liệu chính của trung tâm điều khiển, chỉnh sửa hoặc tạo mới cấu trúc sơ đồ một sợi của trạm biến áp, thiết lập các cảnh báo âm thanh và sự kiện, mô phỏng trạng thái các thiết bị trên lưới điện, lưu trữ, phân tích và khai thác hệ thống dữ liệu lịch sử phục vụ báo cáo sản xuất vận hành…

Áp dụng mô hình này tại các trạm biến áp 110kV đã thay thế cơ bản công việc và nhiệm vụ của nhân viên vận hành tại trạm. Lực lượng lao động tại các trạm được cơ cấu, tổ chức lại với số lượng ít hơn..., giúp giảm lao động trực tiếp mà vẫn nâng cao hiệu quả trong vận hành lưới điện.

Mặt khác, thông qua các khoá liên động, logic… sẽ khắc phục được những sai sót có thể xảy ra do yếu tố con người, đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho người lao động, đặc biệt là khi trực tiếp thao tác tiếp xúc với điện trong thời tiết mưa lũ. Trước đây, việc vận hành chế độ ở trạm biến áp có người trực khi có sự cố xảy ra thì công nhân phải có mặt tại trạm để xác định sự cố và xử lý, như vậy sẽ mất nhiều thời gian. Nhưng hiện nay, tất cả các sự cố sẽ được phát hiện và xử lý nhanh hơn thông qua phần mềm và đảm bảo độ cung cấp điện cho địa bàn.

Ông Bùi Xuân Thành, Giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu cho hay, theo kế hoạch chuyển đổi số hiện đại hóa lưới điện năm 2021, Công ty Điện lực Lai Châu phấn đấu hoàn thành điều khiển từ xa cho 2 trạm biến áp 110kV (Mường So và Lai Châu), hoàn thành 100% trạm 110kV không người trực trên địa bàn toàn tỉnh; hoàn thành kết nối dữ liệu đo xa vào phần mềm OMS, hoàn thành kết nối các bộ recloser và LBS về Trung tâm Điều khiển xa với công nghệ 3G/APN; lắp đặt thử nghiệm hợp bộ máy cắt hạ áp có điều kiển xa, thu thập dữ liệu DTMS.

Cùng đó, Công ty sẽ triển khai ứng dụng phần mềm tính toán tổn thất điện năng lưới điện, phần mềm CBM theo dõi bảo dưỡng thiết bị tại trạm 110kV, phần mềm quản lý máy biến áp kết nối thu thập dữ liệu qua hệ thống công tơ đo xa; số hoá toàn bộ các đầu sổ, lý lịch thiết bị và sử dụng máy báy không người lái Flycam có camera nhiệt kiểm tra đường dây.

Với những nỗ lực và quyết tâm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, Công ty Điện lực Lai Châu đang từng bước đổi mới, sáng tạo, góp phần quan trọng vào lộ trình chuyển đổi số của ngành; nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý, vận hành hệ thống điện, chất lượng dịch vụ khách hàng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đinh Thùy (TTXVN)
Điện lực miền Nam mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt
Điện lực miền Nam mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt

Thực hiện Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 và Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiện mặt tại Việt Nam, thời gian qua Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã tăng cường mở rộng các dịch vụ về điện theo phương thức điện tử, trong đó thay đổi hình thức thu tiền điện, tiến tới ngưng thu tiền điện tại nhà theo mục tiêu toàn bộ hoạt động thanh toán tiền điện qua tổ chức thanh toán trung gian và thanh toán trực tuyến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN