Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác Thương vụ tại Singapore

Ngay từ năm 2018, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã đi đầu trong hệ thống các cơ quan Thương vụ của Bộ Công Thương để triển khai xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử song ngữ Anh-Việt, với tên gọi “Cửa ngõ kinh doanh và đầu tư vào Việt Nam và Singapore”.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Thương vụ là một định hướng được tập thể Thương vụ Việt Nam tại Singapore xác định từ rất sớm.

Chú thích ảnh
Cho đến nay, Hao Mart (Singapore) đã nhập khẩu 72 mặt hàng tiêu biểu đến từ Việt Nam. Ảnh: Lê Dương-P/v TTXVN tại Singapore

Đến nay, trang tiếng Việt của Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã có lưu lượng truy cập tương đối lớn, có những bài viết có trên 100.000 lượt đọc (đặc biệt những bài viết tư vấn thị trường và xu hướng chính sách của địa bàn). Trang tiếng Anh của Thương vụ cũng có tiếng vang lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Singapore, nhất là Bản tin Doing Business in Vietnam hàng tháng.

Trong bối cảnh dịch bệnh, công tác thông tin thị trường càng được Thương vụ tận dụng kênh Cổng thông tin để đảm bảo thường xuyên, nhanh chóng và kịp thời tới các doanh nghiệp với các mục: báo cáo phân tích thị trường, diễn biến xuất nhập khẩu và nghiên cứu định kỳ một số ngành hàng; thay đổi chính sách kinh tế và thương mại của sở tại, cơ hội kết nối giao thương và danh bạ các nhà nhập khẩu/nhà cung cấp tiềm năng theo từng nhóm ngành hàng…

Cổng thông tin điện tử được chủ động vận hành bởi cán bộ Thương vụ đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt ngay lập tức các cơ hội kinh doanh, tương tác tức thời với cán bộ Thương vụ để hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp Singapore, bất kể tình trạng dịch bệnh, khó khăn về địa lý và múi giờ, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường, tìm kiếm nguyên liệu sản xuất, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư; giúp đảm bảo chuỗi cung ứng được vận hành thông suốt.

Thương vụ cũng đang thử nghiệm triển khai các “gian hàng ảo” của một số doanh nghiệp trên Trang Thông tin tiếng Anh của Thương vụ, cho phép kết nối đường link đến website của doanh nghiệp Việt Nam để các doanh nghiệp Singapore có thể chủ động tìm hiểu thông tin, xác định đối tác và yên tâm giao dịch.

Bên cạnh việc khai thác Cổng thông tin điện tử, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cũng đẩy mạnh sử dụng các ứng dụng liên lạc trực tuyến như Viber, Whatsapp, Zalo để nhanh chóng tương tác với các doanh nghiệp. Ví dụ như khi có thông tin liên quan đến các đơn hàng đấu thầu của Chính phủ Singapore, các đơn hàng nhập khẩu của các chuỗi siêu thị hoặc các đơn hàng gia công sản xuất của các nhà máy đa quốc gia đóng tại Singapore (trong đó có rất nhiều đơn hàng gia công trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo), Thương vụ sẽ ngay lập tức đăng tải vào nhóm chat “Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”, nhóm chat “Các doanh nghiệp quan tâm đến thị trường Singapore”, nhóm chat “B2B của Cục XTTM”, nhờ đó đã kết nối được nhiều hợp đồng xuất khẩu nông sản và thực phẩm chế biến và gia công sản xuất của Việt Nam sang thị trường.

Trong bối cảnh giãn cách xã hội ở sở tại, Thương vụ cũng linh hoạt phối hợp với các cơ quan, Hiệp hội và phòng Thương mại các nước đóng tại Singapore để giới thiệu các cơ hội thị trường ở Việt Nam, thông qua các phiên phổ biến thông tin trên ứng dụng Hội thảo trực tuyến Zoom, Webex, Google Meet, VNPT meeting.

Để đảm bảo tính “liên tục” và tính “bền vững” của các hoạt động đồng thời nâng cao sự “nhận diện” Thương vụ trong cộng đồng doanh nghiệp nhằm chuẩn bị cho các bước đi tiếp theo hậu thời kỳ Covid, Thương vụ đã chủ động mời các chuyên gia từ Việt Nam và quốc tế để chia sẻ với các doanh nghiệp Singapore và các doanh nghiệp đa quốc gia đóng tại Singapore về các cơ hội làm ăn kinh doanh mở ra sau CPTPP, EVFTA; về các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp và kinh nghiệm xâm nhập thị trường Việt Nam; về những thay đổi trong quy định xuất nhập khẩu trong giai đoạn Covid; hay thậm chí cả cách thức hợp tác tận dụng nguyên tắc xuất xứ công gộp để doanh nghiệp Việt Nam và Singapore cùng mở rộng xuất khẩu vào thị trường EU và UK,...

Dịch bệnh cũng giúp Thương vụ nhận thức được sự cần thiết thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong công tác hỗ trợ kết nối đầu tư công nghiệp và năng lượng thông qua các hình thức hội họp trực tuyến, hội nghị hội thảo kết hợp với tham quan triển lãm trực tuyến/triển lãm ảo.

Singapore là nhà đầu tư nước ngoài quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến chế tạo và hạ tầng logistics. Bất chấp bối cảnh dịch bệnh, năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, Singapore đã vươn lên và giữ vững vị trí là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Nhiều dự án hợp tác đầu tư quan trọng như điện khí Bạc Liêu, siêu cảng Vĩnh Phúc, LNG Long An đã được Thương vụ hỗ trợ kết nối làm việc trực tuyến với các đối tác ở Việt Nam để đi đến thành công.

Năm 2021, Thương vụ đã phối hợp với Cục xúc tiến thương mại tổ chức Diễn đàn “Đầu tư vào Việt Nam – Tiêu điểm đầu tư công nghiệp” tại Singapore, kết hợp với thử nghiệm cho các doanh nghiệp của Singapore và các doanh nghiệp đa quốc gia đóng tại Singapore tham quan trực tuyến Hội chợ quốc tế Việt Nam 2021 và kết nối đầu tư trực tuyến với các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Nghệ An, Khánh Hòa.

Hoạt động thử nghiệm này đã thu hút được sự quan tâm đăng ký tham gia của hơn 100 doanh nghiệp từ Singapore. Trải nghiệm tham gia Triển lãm “ảo” và tham quan các gian thông tin đầu tư của các tỉnh được các doanh nghiệp và đông đảo các cơ quan tổ chức tại Singapore đánh giá rất cao. Tiếp sau hoạt động này, Thương vụ cũng đã hỗ trợ quảng bá và kết nối các doanh nghiệp thành viên của Ủy ban công nghiệp nội thất Singapore tham quan Triển lãm ảo 3D về nội thất của Hawa và kết nối giao thương trực tuyến tìm kiếm cơ hội đầu tư hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp đồ gỗ của Việt Nam.

Ngoài ra, Thương vụ còn liên tục tổ chức các hoạt động Webinar để phổ biến thông tin và cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương, ví dụ như Hội nghị kết nối trực tuyến trong lĩnh vực thương mại điện tử, logistics, công nghiệp chế biến chế tạo… và cả những lĩnh vực khác như thành phố thông minh, ICT, du lịch…

Một đột phá nữa trong công tác xúc tiến thương mại thông qua hình thức số hóa là việc Thương vụ tổ chức các cooking shows, hướng dẫn nấu các món ăn Việt Nam: có lần dưới hình thức livestream với sự tham gia của Youtuber nổi tiếng người Singapore Jianhao TAN; có lần dưới hình thức video Youtube kết hợp đăng tải trên kênh truyền hình TV5.

Đây là hình thức xúc tiến thương mại sáng tạo, thể hiện hiệu quả tốt trong bối cảnh dịch bệnh, giúp người dân Singapore và quốc tế trong khi thực hiện giãn cách xã hội có thêm sự nhận diện về một số thương hiệu thực phẩm chế biến của Việt Nam; có thêm thông tin về ẩm thực Việt Nam, từ đó quan tâm sử dụng các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam để chế biến bữa ăn.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore cũng đẩy mạnh các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Chú thích ảnh
Bà Goh Tsu Ching (giữa), Giám đốc cung ứng quốc tế FairPrice, giới thiệu các mặt hàng trưng bày tại Tuần lễ hàng Việt Nam. Ảnh: Lê Dương-P/v TTXVN tại Singapore

Một loạt sự kiện đã được Thương vụ tổ chức trong giai đoạn 2018-2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin và xu thế để tích cực chủ động tham gia thương mại điện tử, tiếp cận thị trường nước ngoài qua các ứng dụng số, khai thác kênh xuất khẩu vào các thị trường thứ ba qua các sàn đấu giá hàng hóa trực tuyến.

Bên cạnh hàng chục sự kiện kết nối giao thương trực tuyến trong các lĩnh vực mặt hàng nông nghiệp và thực phẩm chế biến trong năm 2020-2021 (thực phẩm chế biến, đồ uống, thực phẩm Halal, vải, nhãn, chè cà phê…), Thương vụ còn tổ chức nhiều phiên thông tin trực tuyến nhằm phân tích giới thiệu xu thế, triển vọng và lợi ích của việc đẩy mạnh xuất khẩu thông qua đấu giá và thương mại điện tử, nhờ đó, giúp doanh nghiệp Việt Nam tích cực chuẩn bị chiến lược chuyển đổi số trong các lĩnh vực như: xây dựng giải pháp xác thực chất lượng hàng hoá online; kiểm định chất lượng qua trí tuệ nhân tạo, phát triển giải pháp thanh toán/hóa đơn điện tử, quản lý giao nhận và vận hành kho trực tuyến,...

Ngân sách hoạt động chuyên môn của Thương vụ vốn được dành phần lớn trước đây để tổ chức các hoạt động đưa doanh nghiệp Singapore vào Việt Nam tìm kiếm nguồn cung hay đưa doanh nghiệp Việt Nam sang Singapore dự các hội chợ triển lãm nay được Thương vụ chuyển đổi để hỗ trợ sau “trực tuyến” cho các doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy hạn chế của kết nối giao thương trực tuyến là việc thiếu độ tin cậy giữa bên xuất khẩu và bên nhập khẩu trong các vấn đề: khả năng thỏa mãn tiêu chuẩn của sở tại, chất lượng giao hàng, rủi ro thanh toán, sự băn khoăn khi giao dịch với đối tác mới, rủi ro khi nhập khẩu sản phẩm mới vào thị trường…

Chính vì vậy, từ 2020, Thương vụ đã làm việc với đại diện hãng Hàng không quốc gia Việt Nam tại Singapore để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa nhỏ) chi phí vận chuyển hàng mẫu sang địa bàn và từ sân bay đến các nhà nhập khẩu.

Dù không thể đi trực tiếp kiểm tra nhà máy tại Việt Nam, các nhà nhập khẩu Singapore vẫn có thể thẩm định chất lượng, đánh giá tận mắt hình thức của sản phẩm và trải nghiệm dùng thử trực tiếp sản phẩm (nhất là thực phẩm chế biến); có thể tiến hành gửi sản phẩm cho các phòng lab để kiểm định xin cấp phép. Sự tham gia của Thương vụ sau kết nối trực tuyến vừa là bảo chứng về lòng tin trong giao dịch, vừa giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp hai bên.

Cũng xuất phát từ nhận thức về tính hạn chế của các biện pháp kết nối thuần túy trực tuyến, Thương vụ cũng là đơn vị đi đầu triển khai Triển lãm Hybrid kết hợp giao thương trực tuyến với trưng bày trực tiếp các sản phẩm tại Singapore. Đây là hoạt động có quy mô lớn, đưa được gần 500 đầu mặt hàng từ gần 40 doanh nghiệp vào Singapore. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Triển lãm được Thương vụ Việt Nam tại Singapore hỗ trợ toàn bộ kinh phí mặt bằng triển lãm và kệ trưng bày.

Trong điều kiện các chuyến bay thương mại chưa nối lại giữa hai nước, Thương vụ cũng hỗ trợ toàn bộ chi phí vận chuyển sản phẩm từ sân bay đến nơi Triển lãm; nhân công trưng bày và giới thiệu sản phẩm trong quá trình tổ chức sự kiện và hỗ trợ phiên dịch giúp doanh nghiệp tham gia vào các cuộc kết nối khách hàng qua kênh kết nối trực tuyến.

Triển lãm diễn ra vào cuối tháng 8/2021 và ngay lập tức đã thể hiện tính hiệu quả của hình thức kết hợp kết nối trực tuyến với trưng bày trực tuyến, với nhiều sản phẩm sau Triển lãm đã thực sự hiện diện tại các hệ thống siêu thị ở Singapore từ tháng 12/2021, ví dụ như: 3 dòng sản phẩm sữa chua uống của TH True Milk, 3 dòng cà phê hương vị trái cây đặc sản Việt Nam của HatA, 2 dòng sản phẩm bánh ngọt của Hữu Nghị Tipo (hệ thống siêu thị FairPrice); Cà phê Hello 5, Bột trái cây Trivie, Gia vị Dace, mật ong Honeco (hệ thống siêu thị Hao Mart)…

Thương vụ cũng rất chú trọng khai thác và giới thiệu các kinh nghiệm, giải pháp tiếp cận số hóa của doanh nghiệp Singapore tới các doanh nghiệp Việt Nam. Do đặc thù của Singapore là trung tâm cảng biển, thanh toán, tài chính, kho vận, logistics của ASEAN và toàn cầu, Chính phủ và các doanh nghiệp Singapore có rất nhiều sáng kiến để thúc đẩy Vùng sản xuất ASEAN, Chuỗi cung ứng tích hợp ASEAN, Mạng lưới Logistics ASEAN, Mạng lưới vận chuyển ASEAN, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Singapore-toàn cầu…

Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt các xu hướng này và thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia cấu thành dữ liệu chuỗi cung ứng và cơ sở dữ liệu người bán/nhà sản xuất ASEAN-toàn cầu cũng là một ưu tiên trong hoạt động của Thương vụ. Kinh nghiệm phát triển chiến lược Halal của Singapore dựa trên các nền tảng công nghệ cao như blockchain, truy xuất nguồn gốc điện tử, tự động hóa cũng là một lĩnh vực mà Thương vụ quan tâm kết nối để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sớm nắm bắt và tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất, phân phối của thị trường Halal toàn cầu.

Hiện nay, Thương vụ đã làm việc với Phòng thương mại – công nghiệp sắc tộc Malay tại Singapore để thiết kế các khóa học trực tuyến về ứng dụng số trong lĩnh vực Halal với mức giá ưu đãi dành cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhờ các nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và chủ động ứng dụng số hóa trong công tác Thương vụ, xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn 9 tháng đầu năm 2021 đã tăng 31.5% so với cùng kỳ 2020 và thậm chí tăng 14.6% so với 2019 (trước dịch), bất chấp các khó khăn do dịch Covid gây ra. Năm 2020 cũng là năm đầu tiên trong lịch sử thương mại giữa hai nước, nếu so sánh riêng với hàng hóa có xuất xứ từ Singapore xuất khẩu vào Việt Nam, chúng ta có thặng dư tới 1.1 tỷ SGD và đang ghi nhận thặng dư khoảng 600 triệu SGD trong năm 2021 với Singapore.

Tình hình đầu tư công nghiệp và năng lượng của Singapore vào Việt Nam cũng cho thấy bức tranh rất sáng lạn trong thời gian tới. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động thương mại tại Thương vụ Việt Nam tại Singapore vì vậy chính là chìa khóa để thực hiện thành công mục tiêu tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Singapore mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã định hướng trong Buổi làm việc trực tuyến mới đây với Bộ trưởng Công Thương Singapore Tan See Leng, nhất là trong triển vọng sẽ sớm có Biên bản hợp tác giữa hai Bộ để thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh và các hình thức thương mại điện tử giữa hai nước.

TS. Trần Thu Quỳnh (Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore)
Việt Nam - Singapore đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng
Việt Nam - Singapore đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng

Ngày 11/10, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an có buổi hội đàm trực tuyến với bà Josephine Teo, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Thông tin kiêm Bộ trưởng phụ trách An ninh mạng của Singapore.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN