Nhà máy thủy điện Sông Lô 7 được xây dựng trên địa bàn 2 xã Yên Phú và Minh Dân, huyện Hàm Yên, Nhà máy có công suất 36 MW được khởi công từ cuối năm 2021. Đây là dự án cột nước thấp, sử dụng tuabin bóng đèn, với khối lượng xây lắp tương đối lớn, khoảng 120.000 m3 bê tông; gần 4.000 tấn thép xây dựng, 3.000 tấn thiết bị cơ điện nhập khẩu...
Sau gần 2 năm thi công, Nhà máy thủy điện Sông Lô 7 đã hoàn thành và chính thức hoà vào dòng lưới điện quốc gia. Nhà máy Thuỷ điện Sông Lô 7 đi vào hoạt động, hàng năm sẽ cung cấp nguồn điện khoảng 138 triệu KWh cho lưới điện quốc gia, đồng thời đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 25 tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và tạo nhiều việc làm cho nhân dân tại địa phương. Ngoài ra, với diện tích mặt hồ lớn gần 300ha, Nhà máy thủy điện Sông Lô 7 còn tạo điều kiện nuôi trồng thuỷ sản cho người dân địa phương và tạo cảnh quan môi trường để phục vụ du lịch.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, nhấn mạnh, Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc có tiềm năng phát triển các dự án thuỷ điện do trên địa bàn tỉnh có hệ thống sông, suối khá dày đặc, độ dốc khá lớn, nguồn nước ổn định. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 dự án thuỷ điện đang hoạt động phát điện, với tổng công suất 490 MW, sản lượng điện hàng năm cung cấp cho hệ thống điện Quốc gia đạt trên 1,8 tỷ kWh, các dự án đi vào hoạt động đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc, phòng tại địa phương.
Trong 5 dự án thuỷ điện, có 3 dự án được đầu tư xây dựng bởi Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Lam Sơn, gồm các thuỷ điện Sông Lô 8A, 8B và Sông Lô 7. Nhà máy Thuỷ điện Sông Lô 8A, 8B đi vào vận hành khai thác từ năm 2020, tổng công suất 54MW, sản lượng điện hàng năm đạt hơn 200 triệu KWh, qua đó Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Lam Sơn đóng góp cho ngân sách nhà nước của tỉnh trên 40 tỷ đồng/năm.
Để phát huy và khai thác hiệu quả dự án ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra về an toàn đập; xây dựng các phương án phòng, chống cháy nổ, phòng chống lụt bão; xây dựng mô hình quản lý, khai thác vùng lòng hồ, nuôi trồng thuỷ sản, du lịch sinh thái phù hợp, gắn với hoạt động trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn; thiết lập các hệ thống quan trắc, thông tin tự động cảnh báo lũ đảm bảo an toàn cho vùng thượng lưu và hạ lưu nhà máy; chủ động thực hiện quản lý an toàn đập theo quy định của pháp luật...