Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết hiện Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện quyết định về triển khai thí điểm mobile Money và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 4 này.
Theo Hiệp hội di động toàn cầu (Global System Mobile Associations - GSMA), mobile Money được định nghĩa là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động. Mobile Money bao gồm các dịch vụ chi trả di động (giao dịch lẻ và thanh toán hóa đơn), chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua máy di động… và những dịch vụ tương tự.
Theo kinh nghiệm thế giới, dịch vụ mobile Money được thí điểm triển khai sẽ giúp nhà mạng có thể đưa dịch vụ thanh toán điện tử mau chóng đến 100% người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tới 0,5%. Còn với Việt Nam, nếu mobile Money được triển khai sẽ góp phần đưa dịch vụ thanh toán điện tử sớm đến toàn bộ người dân.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mobile Money chính là tương lai, mặc dù thẻ tín dụng vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng, nhưng những người dân ở vùng nông thôn sẽ ít sử dụng máy POS, ATM trong khi đa phần đều có smart phone. Đây chính là ứng dụng đáp ứng cho số đông người Việt Nam. Loại hình này sẽ cho phép các doanh nghiệp viễn thông như Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty Viễn thông Viettel, Tổng công ty Viễn thông MobiFone… tham gia vào thị trường thanh toán.
Khách hàng chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc đến các đại lý, điểm giao dịch gần nhất và không bị giới hạn về thời gian, địa điểm giao dịch. Dịch vụ mobile Money khi được cung cấp sẽ góp phần thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân vẫn còn khá phổ biến hiện nay.
Ngay sau khi được Ngân hàng nhà nước cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ mobile Money thì chỉ sau một đêm, 100% các thuê bao di động của Việt Nam có thể tham gia thanh toán điện tử một cách thuận lợi theo phương thức mới.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, mạng lưới của công ty viễn thông sẽ hỗ trợ việc cung cấp giải pháp tài chính toàn diện đến người dân, phổ cập nhanh hiệu quả với chi phí thấp hơn.
Đồng thời, ứng dụng này giúp các ngân hàng tiếp cận khách hàng mà không phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, loại hình thanh toán mới này cần phải có cơ chế bảo mật tốt, cần phải có sự hỗ trợ tốt từ phía các nhà mạng và sự nỗ lực nâng cấp về công nghệ, hạ tầng và đặc biệt là cách thức quản lý, quản trị.