Theo khảo sát của Chi Cục trồng trọt và bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện tỉnh có hơn 300 hộ nông dân chuyên canh cây gấc với diện tích gần 200 ha.
Tại hai huyện Càng Long và Cầu Kè là những nơi có diện tích trồng gấc nhiều nhất với tổng diện tích hơn 100 ha. Từ đầu năm đến nay, gấc được thương lái, đại lý trong tỉnh thu mua ở mức cao với giá bình quân 12.000–13.000 đồng/kg. Một số hợp tác xã trong tỉnh còn ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 7.000-8.000 đồng/kg.
Ông Thạch Phinh, ở xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè cho biết, gia đình ông chuyển đổi 0,3 ha đất vườn tạp sang chuyên trồng cây gấc từ đầu năm 2019. Trong năm đầu, gia đình gặp không ít khó khăn về đầu ra. Giá trái gấc bán cho thương lái chỉ ở mức 5.000–6.000 đồng/kg, thu nhập tính ra chỉ đạt khoảng 50–60 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, đầu năm 2020, vườn gấc của ông được Hợp tác xã Nông nghiệp Việt Thành ký kết bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường và bao giá thấp nhất 6.000 đồng/kg nếu giá thị trường giảm hơn. Nhờ đó, ông không phải lo lắng việc trồng gấc bị thua lỗ.
Ông Thạch Ngọc Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Việt Thành chia sẻ, những năm trước đây, gấc được dùng để chế biến các loại bánh, mứt, thức ăn chè, xôi,… nên thị trường cung ứng chủ yếu trong nước, giá cả bấp bênh. Nhưng hiện nay, gấc trở thành nguồn nguyên liệu trong công nghiệp chế biến dược phẩm; đặc biệt là chiết xuất dầu gấc xuất khẩu. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, giá gấc luôn ở mức bình quân 13.000 đồng/kg và được nhiều doanh nghiệp, công ty ký kết hợp đồng thu mua thông qua các hợp tác xã tại vùng có diện tích trồng lớn.
Từ năm 2017, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh chủ trương khuyến khích nông dân tận dụng diện tích đất ven triền giồng cát, vườn tạp kém hiệu quả kinh tế chuyển sang mô hình trồng gấc. Đây cũng là cây trồng được Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh (Dự án AMD Trà Vinh) đưa vào danh mục hỗ trợ xây dựng mô hình để khuyến khích nông dân, nhất là hộ nghèo sản xuất để có được nguồn thu nhập ổn định trong điều kiện đất sản xuất ít, dễ bị ảnh hưởng thời tiết khô hạn.
Đầu năm 2020, Dự án AMD Trà Vinh đã hỗ trợ cho 100 hộ thành viên của hợp tác xã trồng 20 ha gấc và đang đem lại nguồn thu nhập cao cho người trồng. Kết quả cho thấy, cây gấc dễ trồng, thích nghi nhiều thổ nhưỡng, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, chủ yếu là đầu tư giàn leo cho cây gấc sinh trưởng. Từ khi trồng đến cây gấc cho thu hoạch chỉ 6 tháng và thời gian thu hoạch trái kéo dài từ 1,5 đến 2 năm. Cây gấc chỉ cần trồng một lần, sau hết mùa vụ thu hoạch chỉ cần cắt bỏ dây chừa lại gốc và tiếp tục chăm sóc để đến chu kỳ thu hoạch tiếp tục, với dòng đời kéo dài từ 10 đến 15 năm.
Cũng theo ông Ngọc, một ha đất có thể trồng từ 320 – 400 cây gấc. Với giá bình quân 13.000 đồng/kg như hiện nay, nông dân trồng gấc có nguồn thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm, trừ các chi phí đạt lợi nhuận gần 200 triệu đồng.