Triển vọng quan hệ thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Vương quốc Anh 

Diễn đàn đối thoại về chính sách và đối thoại về thị trường do Bộ Công Thương Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Vương quốc Anh-ASEAN và Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức trực tuyến ngày 6/10 đã giúp các doanh nghiệp hai nước nhận thức đầy đủ hơn về cơ hội, cũng như thách thức trong quan hệ thương mại-đầu tư giai đoạn hậu Brexit.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Đại sứ Việt Nam tại Anh Trần Ngọc An cho biết với sự hấp dẫn của thị trường gần 100 triệu dân, với sự phát triển năng động của kinh tế Việt Nam, và trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Anh và Việt Nam rất nhiều khả năng được hoàn tất, các quan tâm, các đầu tư của doanh nghiệp Anh vào Việt Nam gia tăng và không chỉ các doanh nghiệp Anh quan tâm đến thị trường Việt Nam mà Đại sứ quán Việt Nam tại Anh cũng nhận được nhiều yêu cầu, quan tâm của các doanh nghiệp Việt muốn tăng cường đầu tư, xuất khẩu sang Anh trong các lĩnh vực như điện tử, nông sản, và hải sản...

Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đang có ưu đãi theo Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Tuy nhiên, những ưu đãi sau 31/12/2020 (hậu Brexit) thì còn tùy thuộc kết quả đàm phán FTA Việt Nam-Anh. 

Việc ra khỏi EU mang lại cho Anh một cơ hội đàm phán hiệp định thương mại song phương với các nước khác. Việt Nam là một đối tác thương mại rất quan trọng của Anh tại Đông Nam Á. EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 được áp dụng cho thương mại giữa Việt Nam và Anh đến cuối năm nay, khi Anh kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit. Chính phủ của Việt Nam và Anh mong muốn có hiệp định FTA từ năm 2021 với mức thuế xuất 0% hoặc rất thấp cho hầu hết các mặt hàng.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Brexit dẫn đến việc một số sản phẩm của châu Âu sẽ không còn nhận được cơ chế ưu đãi vào thị trường Anh. Một số sản phẩm Việt Nam có cơ hội thay thế. Ví dụ như giầy và trang phục cho môn thể thao quần vợt của Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt với các sản phẩm sản xuất tại Romania (Ru-ma-ni). Anh nhập khẩu hầu hết các sản phẩm như hoa quả, rau, salad v.v. Riêng nhập khẩu rau vào Anh có giá trị 4 tỷ USD/năm. Khỏang 80% rau quả nhập khẩu vào Anh hiện nay đến từ Tây Ban Nha và Hà Lan. Các sản phẩm rau quả bảo quản, đông lạnh hoặc đã qua chế biến của Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường Anh. Đối với các loại quả, Anh nhập khoảng 5 tỷ USD/năm, chủ yếu từ các nước ngoài EU. Các sản phẩm chủ yếu là chuối (29%), cam, quýt ngọt (15%) và dưa 6%. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước. 

Chú thích ảnh
 Các đại biểu tham dự hội thảo tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Đối với thị trường bất động sản tại Anh: Dự báo năm 2020, giá bất động sản nhà ở sẽ giảm 8-12% trong năm 2020, tập đoàn quản lý bất động sản JJL dự báo giá nhà sẽ tăng tổng cộng 15% trong bốn năm tới. Giá nhà giảm và đồng bảng Anh mất giá là cơ hội tốt để các nhà đầu tư nước ngoài mua nhà tại Anh. Giá nhà trung bình tại London tháng 6/2020 là 475.000 bảng Anh (615.000 USD). Giá nhà trung bình toàn Anh là 215,000 bản Anh (280.000 USD). Lợi tức cho thuê nhà là 3.5-4% năm. Bất động sản thương mại (văn phòng và cửa hàng cho thuê) có lợi tức cho thuê từ 4-6,5%/năm.

Tuy nhiên, thị trường Anh có một số vấn đề mà các doanh nghiệp cần lưu ý như tỷ giá giữa bảng Anh (GBP) và USD biến động thất thường. Vì vậy, các doanh nghiệp cần cẩn thận theo dõi tỷ giá GBP/USD. Nếu hợp đồng đang trong quá trình hoàn tất mà USD tăng giá so với GBP, bên mua có thể chậm trễ ký hợp đồng đợi tỷ giá xuống, hoặc xấu nhất là không ký hợp đồng. Anh sẽ đưa ra tiêu chuẩn chất lượng riêng của mình (Ví dụ CE vs UKCA). Các doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ cả tiêu chuẩn của EU và Anh. Khi giao dịch doanh nghiệp cần làm rõ và mô tả kỹ chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn trong hợp đồng. 

Đánh giá về quan hệ thương mại Việt Nam-Anh hiện nay và triển vọng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh, Nguyễn Cảnh Cường, cho biết Anh là nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu (chỉ sau Đức) có dung lượng thị trường rất lớn và sức mua cao. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 tỷ USD hàng hóa sang Anh trong khi nhập khẩu 1 tỷ USD hàng hóa từ Anh. Thị trường Anh có vị trí quan trọng đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như hàng may mặc, giầy thể thao, đồ gỗ, máy tính, điện thoại di động, trà, cà phê, hồ tiêu, thủy sản nuôi, … "Dư địa" cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường Anh còn rất nhiều vì thị phần tất cả các sản phẩm Việt Nam chỉ chiếm chưa tới 1% tổng trị giá hàng nhập khẩu hàng năm gần 700 tỷ USD của Anh. Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam-Anh có tiếp tục phát triển hay không phụ thuộc chủ yếu vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và nỗ lực của chính phủ hai nước trong việc đạt được một Hiệp định thương mại tự do song phương trước khi thời kỳ chuyển tiếp Brexit kết thúc vào ngày 31/12/2020.

Triển vọng quan hệ thương mại

Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh, Nguyễn Cảnh Cường, cho biết đối với Việt Nam, Chính phủ Anh đang có hai phương án. Phương án một là ký kết FTA song phương trên cơ sở EVFTA. Nếu đạt được phương án này, nhiều sản phẩm Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia , Indonesia, Philippines và Myanmar. Đây là những nước có ít triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới. Việt Nam không nên bỏ lỡ cơ hội có thể đi trước các đối thủ cạnh tranh này.

Ở chiều ngược lại, các ngành sản xuất tại Việt Nam không phải lo lắng nhiều vì Anh có rất ít sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm "made in Vietnam". Liên quan đến phương án này, Anh không có chủ trương kế thừa Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA) mà muốn tiếp tục thực thi Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-Anh 2002 vẫn đang còn hiệu lực đến hết tháng 8/2022. 

Chú thích ảnh
Đại diện các Bộ, ngành của Việt Nam tham dự hội thảo. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Phương án hai là không có FTA cho hậu Brexit. Quan hệ thương mại Việt Nam-EU sẽ được điều chỉnh theo các cam kết đa phương trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nếu kịch bản này xảy ra, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh sẽ giảm vì nhiều mặt hàng bị bất lợi cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của 32 quốc gia hoặc Liên minh kinh tế có FTA với Anh. Nhiều sản phẩm của Hàn Quốc, Morocco, Ukraine, Israel, Mexico, Liên minh hải quan Nam Phi và Mozambique sẽ có ưu thế hơn so với hàng Việt Nam trên thị trường Anh. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất một số lượng bạn hàng truyền thống. Cơ hội thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ từ Anh sang Việt Nam cũng sẽ giảm theo. 

Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh, Nguyễn Cảnh Cường, nhận định nếu xuất khẩu của Việt Nam sang Anh trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng gần 20% so cùng kỳ năm ngoái thì xuất khẩu trong tháng 8/2020 tăng được 14% so với tháng 7/2020 chủ yếu nhờ ưu đãi thuế của EVFTA.

Ông Nguyễn Cảnh Cường nhận định từ đến cuối năm 2020, dự báo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục phục hồi. Còn sau giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc vào ngày 31/12 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh sẽ diễn biến thế nào phụ thuộc vào 2 yếu tố chính là phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, và triển vọng chính phủ hai nước đạt được FTA song phương trên cơ sở EVFTA.  Các doanh nghiệp của Việt Nam và Anh đều rất kỳ vọng hai nước sẽ kịp thời đạt được FTA song phương để điều chỉnh quan hệ thương mại song phương sau thời kỳ chuyển tiếp Brexit.

Diễm Quỳnh- Tuấn Anh (P/v TTXVN tại London)
Việt Nam - điểm đến đầu tư đối với các doanh nghiệp lớn của Pháp
Việt Nam - điểm đến đầu tư đối với các doanh nghiệp lớn của Pháp

Hội nghị trực tuyến với chủ đề "Thúc đẩy thu hút đầu tư của Pháp vào Việt Nam thời kỳ hậu dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19" được đồng tổ chức ngày 28/9 giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Nghiệp đoàn giới chủ Pháp MEDEF International.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN