Tín hiệu phục hồi của trái phiếu riêng lẻ đến từ sự trở lại của nhóm ngân hàng. Việc các ngân hàng đồng loạt đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm củng cố nguồn vốn trung và dài hạn, để đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính ngày 5/8, tháng 7/2024, có 56 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ thành công, với với khối lượng khoảng 45.000 tỷ đồng (giảm 15% so với tháng 6/2024, nhưng tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái).
Cụ thể: Tổ chức tín dụng (TCTD) phát hành 35.100 tỷ đồng (chiếm 78% khối lượng phát hành), doanh nghiệp bất động sản phát hành 5.500 tỷ đồng (12,1%); các doanh nghiệp lĩnh vực còn lại phát hành khoảng 4.400 tỷ đồng (9,9%). Nếu phân theo trái phiếu có tài sản đảm bảo, có 6.300 tỷ đồng trái phiếu phát hành có điều khoản bảo đảm (14% khối lượng phát hành). Trong đó, trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản có điều khoản bảo đảm chiếm 86,5%; trái phiếu của TCTD không có tài sản đảm bảo.
Đơn cử mới đây, nhằm tăng cường vốn tự có, cũng như tăng trưởng nguồn vốn dài hạn, đáp ứng yêu cầu cho vay thúc đẩy phát triển nền kinh tế, Agribank đã chào bán 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2024. Theo đó, lãi suất trái phiếu Agribank được xác định bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ của 4 ngân hàng BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank tại ngày xác định lãi suất) cộng biên độ 2,0%/năm. Kỳ hạn của trái phiếu là 10 năm, trong 5 năm cuối trước khi đến hạn, nếu Agribank không mua lại theo quyền, biên độ của trái phiếu lên tới 3,0%/năm.
Năm 2024, dự kiến thị trường còn ghi nhận một số ngân hàng phát hành TPDN. Trong đó, VietinBank đã thông qua phương án phát hành trái phiếu công chúng được chia làm 2 đợt trong năm 2024. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, và có tài sản bảo đảm với giá trị tối đa 8.000 tỷ đồng, thời hạn 8 - 10 năm.
Ngân hàng BIDV lên kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm với tổng giá trị tối đa 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 - 10 năm; Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý 3 và 4 năm 2024 với tổng giá trị tối đa 6.000 tỷ đồng, kỳ hạn từ 2 - 7 năm.
Theo Bộ Tài chính, tính hết 7 tháng năm nay, có 174 đợt phát hành TPDN riêng lẻ thành công, với với khối lượng 161.500 tỷ đồng (gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, phân theo loại hình doanh nghiệp phát hành: TCTD phát hành hơn 109.000 tỷ đồng (chiếm 67,5% khối lượng phát hành), doanh nghiệp bất động sản phát hành gần 38.700 tỷ đồng (24%); các doanh nghiệp lĩnh vực còn lại phát hành 13.800 tỷ đồng (8,5%).
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, tiềm năng phát triển thị trường TPDN còn rất lớn, nhưng cơ sở hạ tầng của thị trường trái phiếu cần thay đổi một cách mạnh mẽ. Muốn phát triển thị trường TPDN phục hồi, Việt Nam phải phục hồi lòng tin của nhà đầu tư bằng việc các trái phiếu đang lưu hành có thể trả nợ đúng hạn.
Tín hiệu phục hồi của hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ đến từ sự trở lại của nhóm ngân hàng. Theo Chứng khoán MBS, tính từ đầu năm đến nay, ngân hàng vẫn là nhóm có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 96.200 tỷ đồng. Lãi suất bình quân khoảng 5,4%/năm, kỳ hạn 4 năm. Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Techcombank (17.000 tỷ đồng), ACB (12.700 tỷ đồng), MBBank (8.900 tỷ đồng)
Nhóm bất động sản có giá trị phát hành cao thứ 2 toàn thị trường, huy động khoảng 32.600 tỷ đồng. Lãi suất của các doanh nghiệp bất động sản vẫn thuộc nhóm cao nhất hiện nay, bình quân lên tới 12%/năm, kỳ hạn ngắn hơn, khoảng 2,7 năm.
Hiện, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng gần 210 tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ toàn thị trường, trong đó nhóm bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 68%. Từ nay tới cuối năm, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là gần 131.000 tỷ đồng, hơn 41% số này thuộc nhóm bất động sản, theo sau là ngân hàng chiếm 14,6%.