TP Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp giúp doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo các chuyên gia kinh tế, tận dụng cơ hội để phát triển ngành công nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức năng cạnh tranh, có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chú thích ảnh
Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị chiều 28/2.

Chiều 28/2, Bộ Công Thương, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” nhằm tìm giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp này. Tham gia hội thảo có hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các cấp Trung ương và các địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ, các hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia, doanh nghiệp ngành công nghiệp trong và ngoài nước.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Giám đốc điều hành NC Network cho biết, qua khảo sát tại doanh nghiệp cho thấy, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như: tiếp cận khách hàng, thông tin thị trường, nguồn nhân lực, thiết bị máy móc, vấn đề tài chính, tiêu chuẩn chứng chỉ liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu... Ngoài ra, đến nay, Việt Nam chưa có một hãng máy hoàn chỉnh, phần lớn các doanh nghiệp sử dụng máy cũ của Nhật Bản hoặc nếu có đầu tư máy mới nhưng cũng không đáp ứng được công việc.

Trong khi đó, theo bà Bùi Thị Hồng Hạnh, nếu như Nhật Bản có chuyên môn hóa về từng lĩnh vực dập, phay hoặc hàn thì ở Việt Nam, doanh nghiệp khó khăn để hoàn thành một cụm chi tiết do máy móc chưa đủ, dẫn đến không thể nhận được đơn hàng. Một số doanh nghiệp khác còn gặp khó khăn về quy trình lập kế hoạch sản xuất, quản lý và theo dõi kế hoạch, thực thi... Doanh nghiệp cũng đối diện với những vấn đề như tuyển dụng nhân sự, đào tạo nâng cao năng lực, quản lý nhân sự, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chuyển giao...

"Doanh nghiệp mong muốn TP Hồ Chí Minh sớm có những giải pháp, chính sách kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của TP Hồ Chí Minh", bà Bùi Thị Hồng Hạnh cho biết thêm. 

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp của TP Hồ Chí Minh, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua, ngành công nghiệp đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kinh tế Thành phố (chiếm khoảng 18% GRDP). Cụ thể, trong giai đoạn từ 2016 đến nay, cơ cấu ngành công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã chuyển dịch đúng định hướng, cơ cấu 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng từ 53% năm 2016 lên 56% năm 2021. Trong đó, ngành công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp.

Chú thích ảnh
Đại biểu chia sẻ những khó khăn khi duy trì hoạt động và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Theo ông Ngô Minh Châu, ngành công nghiệp hỗ trợ được xác định là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển. Vì vậy, từ Đại hội X đến nay, Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai rất nhiều giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ như: thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố; thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố trực thuộc Sở Công Thương cùng với một số giải pháp cụ thể khác như xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố; tổ chức kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực... Các giải pháp trên đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như tạo điều kiện tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

"Sắp tới, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Thành phố tập trung vào các giải pháp quan trọng để cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế. TP Hồ Chí Minh cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, từ đó tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia", ông Ngô Minh Châu cho biết thêm. 

Trong khi đó, ông Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ cho biết, Việt Nam đang dần trở thành điểm thay thế và đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi dòng vốn dịch chuyển và hàng loạt tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước cũng có nhiều hoạt động đón đầu thu hút đầu từ nước ngoài. Cụ thể, tháng 12/2022 Tập đoàn Thaco tổ chức khánh thành, đưa vào vận hành trung tâm cơ khí và khởi công trung tâm R&D tại Quảng Nam; Tập đoàn Thaco cũng đã ký hợp tác với tỉnh Bình Dương nhằm triển khai dự án khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ với vốn đầu tư hơn 25.000 tỉ đồng...

Chú thích ảnh
Các đại biểu tìm hiểu về những sản phẩm công nghiệp tiêu biểu và có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

"Từ những câu chuyện trên cho thấy, bản thân các doanh nghiệp Việt đã nắm bắt rất tốt cơ hội từ dòng chuyển dịch của chuỗi cung ứng nhằm hiện thực những đơn hàng cụ thể, từ đó có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới. Sắp tới, muốn thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp, chúng ta cần tạo môi trường đầu tư minh bạch, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng cho doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp cần phát huy vai trò đầu tàu và thúc đẩy liên kết ngành chặt chẽ hơn...", ông Lê Thế Chữ cho biết thêm. 

Dịp này, ban tổ chức còn tổ chức lễ ký kết MOU giữa Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng đến Việt Nam xây dựng nền công nghiệp tự chủ.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng
TP Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng

Ngày 28/2, UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức hội nghị đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp, với chủ đề “Ngành ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển” nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc vay vốn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN