Theo đó, lãnh đạo các địa phương cam kết tăng cường quan hệ đối tác và thúc đẩy môi trường hợp tác nhằm hỗ trợ chuyển đổi công nghiệp tại các địa phương, với trọng tâm là bền vững, đổi mới sáng tạo và bao trùm. Đồng thời nhất trí thường xuyên trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, đặc biệt là trong việc xây dựng chính sách, đổi mới công nghệ, huy động nguồn lực để giải quyết các thách thức chung trong chuyển đổi công nghiệp. Các địa phương quyết định thúc đẩy các dự án, sáng kiến song phương và đa phương, tạo điều kiện cho quá trình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đảm bảo rằng chuyển đổi công nghiệp đóng góp tích cực cho hệ sinh thái đô thị; khuyến khích việc chỉ định các đầu mối liên lạc tại mỗi địa phương để tăng cường giao tiếp, chia sẻ cơ hội hợp tác và phối hợp các hoạt động chung liên quan đến chuyển đổi công nghiệp.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, chuyển đổi công nghiệp là một yêu cầu cấp thiết đối với TP Hồ Chí Minh và các đô thị trên toàn thế giới. Để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững, Thành phố cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn. Hiện tại, tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GDP của Thành phố; mục tiêu đến năm 2030 Thành phố sẽ nâng tỷ trọng này lên 40%. Thế giới cũng đang có sự thay đổi mạnh mẽ trong thị trường quốc tế, hướng tới các phương thức sản xuất bền vững và có trách nhiệm hơn. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, gắn kết thương mại với phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, trước những thách thức đó, Thành phố đã áp dụng một chiến lược kép, kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Mục tiêu là xây dựng một nền kinh tế bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi, trở thành mô hình có thể tham khảo đối với các địa phương. Thành phố đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào tự động hóa, nhà máy thông minh và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị. Hợp tác quốc tế là nhân tố cần thiết để tận dụng những lợi ích của chuyển đổi công nghiệp và giảm thiểu các tác động tiềm tàng của quá trình này.
Chia sẻ quá trình chuyển đổi công nghiệp ở địa phương, ông Stefano Lo Russo, Thị trưởng thành phố Torino (Italy) đề cập đến vai trò chủ chốt của doanh nghiệp trong việc thực hiện các chiến lược đổi mới và bền vững. Kinh nghiệm của Torino cho thấy, khi khu vực công và tư nhân hợp tác cùng nhau sẽ mang lại kết quả sẽ rõ ràng và lâu dài cho quá trình đổi mới. Cách tiếp cận này không chỉ thu hút đầu tư mà còn tạo ra một hệ sinh thái thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng.
Ông Ricardo Valente, Phó Thị trưởng thành phố Porto (Bồ Đào Nha) nhấn mạnh đến việc huy động nguồn vốn thông qua đối tác công - tư, cho quá trình phát triển. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần quan tâm đến việc tạo môi trường nuôi dưỡng, thu hút, giữ chân người tài năng. Việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm sẽ giúp các địa phương cùng vượt qua thách thức chung, đạt được cột mốc mới trong quá trình chuyển đổi công nghiệp.
Theo ông Federico Penino, Giám đốc Ban Kế hoạch và Thực hiện ngân sách, Chính phủ Montevideo (Uruguay), việc xây dựng chiến lược phát triển quốc gia đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, bao gồm cả việc xây dựng chính sách công, xác định động lực phát triển. Sự phát triển ngành công nghiệp hiện đại, năng động là thành phần cốt lõi của chiến lược phát triển mà Uruguay đang theo đuổi, cùng với việc thu hút đầu tư từ các quốc gia khác. Với nhiều tiềm năng và lợi thế của một thành phố đại học, có vị trí chiến lược, cửa ngõ vào Uruguay, Montevideo mong muốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực sinh học, nông nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch và cơ sở hạ tầng…
Ông Mark Chandler, Giám đốc phụ trách về Ngoại thương, Văn phòng Thị trưởng thành phố San Francisco (Hoa Kỳ) nhấn mạnh tới vai trò của giáo dục, đào tạo, các chính sách nâng cao chất lượng cuộc sống nhằm tạo ra và thu hút nguồn lao động chất lượng cao. Một yêu cầu quan trọng nữa trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà các địa phương cần chú ý là đảm bảo cơ sở hạ tầng tốt, tạo thuận lợi trong việc thu hút các công ty, doanh nghiệp; cởi mở, tạo môi trường thuận lợi cho các công nghệ mới phát triển...