Vốn vay ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn và đóng vai trò quyết định trong cơ cấu vốn huy động của doanh nghiệp (DN), đặc biệt các DN nhỏ và vừa (DNNVV). Tuy nhiên tại TP Hồ Chí Minh, hiện rất ít DNNVV nhận được nguồn hỗ trợ từ kênh tài chính này.
Khát vốn sản xuất
Công ty TNHH TM Dịch vụ & Quảng cáo Phát Niên Giám ở đường Võ Thị Sáu, quận 3 là đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực đa ngành nghề. Năm 2012, DN quyết định phát triển thêm lĩnh vực thương mại nhưng lại thiếu vốn triển khai. “Do năng lực tài chính hạn chế, việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng rất khó khăn, có thể nói các DNNVV đang là những đơn vị chịu tác động nặng nề nhất. Thực tế là khi kinh doanh khó khăn thì báo cáo tài chính không “đẹp”. Trong khi đó, phía ngân hàng luôn đòi hỏi DN phải có báo cáo tài chính tốt cũng như phải có tài sản để thế chấp”, anh Lâm Hiền Phước, Giám đốc DN than.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cần vốn ổn định việc kinh doanh sản xuất. |
Thống kê của ngành thuế, 3 tháng qua thành phố đã có 5.012 DN ngưng hoạt động, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ, bao gồm: 1.725 DN chờ làm thủ tục phá sản, 1.198 DN bỏ trốn hoặc mất tích… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh doanh kém hiệu quả của DN. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam công bố mới đây, có hơn 50% số DN kinh doanh kém có hệ quả sâu xa từ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.
Trong khi DN, đặc biệt DNNVV đang khát vốn làm ăn, có một nghịch lý đang diễn ra tại nhiều ngân hàng là nguồn tiền dư thừa nhưng lại không thể cho vay. Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến thời điểm tháng 3, tiền gửi khách hàng tăng thêm 1,4% nhưng dư nợ cho vay của toàn ngành tiếp tục giảm thêm 2% so với cuối năm 2011. Chính do nguồn tiền không giải ngân được trong các dự án vay vốn, đã dẫn đến việc tăng trưởng tín dụng toàn ngành quí một vừa qua đạt chỉ số âm.
Gỡ khó cung- cầu vốn
Theo các chuyên gia kinh tế, để giúp DNNVV và ngân hàng tháo gỡ được nút thắt trong vay vốn hiện nay rất cần vai trò chủ động từ chính các tổ chức tài chính. Cụ thể, ngân hàng cần nhanh chóng phát triển đồng bộ nhiều sản phẩm cho vay, vừa tăng cường huy động nguồn. Đặc biệt cần phát triển những sản phẩm để giúp DN đang thiếu các điều kiện nhưng vẫn có thể vay được vốn. Việc kết hợp nhiều sản phẩm, dịch vụ cung cấp… cũng là một trong các cơ sở hạ lãi suất cho vay. “Thực tế tại Ngân hàng HD, bên cạnh việc xem xét lại cơ cấu nợ, giãn nợ… cho DN, chúng tôi đang triển khai đồng loạt nhiều giải pháp cụ thể như: ưu đãi tín dụng cho các DN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; giảm lãi suất thêm 2%/năm với thời hạn vay tối đa 5 năm và số tiền vay tối đa 5 tỷ đồng… ”, ông Phạm Thiện Long, Phó TGĐ Ngân hàng HD cho biết.
Ở một góc độ khác, Ngân hàng Nhà nước vừa cam kết sẽ tiếp tục cung ứng vốn qua nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để điều tiết vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, nhằm tạo điều kiện tối đa DN được ưu tiên về vốn vay. Nếu điều kiện vĩ mô cho phép, đến cuối năm 2012 dự kiến mức lãi suất huy động sẽ còn 10 - 11%/năm góp phần hạ lãi suất cho vay giảm tương ứng. Hiện các DN vừa và nhỏ vẫn đang chờ các hỗ trợ từ phía Chính phủ, điều DN mong mỏi là sớm có giải pháp kịp thời, nhanh chóng giúp họ có vốn hoạt động. Theo anh Phước, điều cần làm lúc này là tháo gỡ khó khăn từ phía bảo lãnh vay vốn. Riêng bản thân DN, trong lập dự án kinh doanh cần nêu rõ những khó khăn và thuận lợi, chi phí ban đầu, doanh thu, kế hoạch trả nợ, yếu tố khả thi cao… cũng như phải có báo cáo tài chính khách quan, minh bạch để thuyết phục được ngân hàng cho vay.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa