Ngày 28/8, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) đã phối hợp với Tổng lãnh sự quán Lào tại TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo "Thị trường Lào – Hiện trạng và tiềm năng kinh doanh – đầu tư” để giúp doanh nghiệp Việt có cơ hội đầu tư kinh doanh tại đất nước bạn.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, cho biết TP Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại với các địa phương của Lào. Bên cạnh các chương trình hợp tác thường xuyên, các địa phương của Lào và TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hàng loạt các sự kiện ngoại giao, kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai nước khai thác thế mạnh của nhau. Các hoạt động được diễn ra dưới nhiều hình thức như: hội chợ, triển lãm, hội nghị xúc tiến thương mại - đầu tư… khẳng định quyết tâm của thành phố muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại với các địa phương Lào, để doanh nghiệp hai nước trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác mở rộng quan hệ giao thương, đầu tư trong tương lai.
Ông Somxay Sanamoune, Tổng lãnh sự Lào tại TP Hồ Chí Minh, cho biết Chính phủ Lào rất ủng hộ và ưu tiên các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Lào. Việt Nam và Lào gần gũi về địa lý, do đó hoạt động trao đổi về kinh tế cũng như đi lại, xuất nhập khẩu hàng hóa, lao động giữa hai nước rất thuận lợi. Đất nước Lào có nhiều tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác đầu tư như: thủy điện; thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; trồng cây công nghiệp; chế biến nông lâm sản…
“Để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Lào đang bỏ dần các quy định, thủ tục hành chính rườm rà, giảm thời gian thành lập doanh nghiệp, giảm thuế và tăng cường cơ sở hạ tầng... Hiện nay, các doanh nghiệp có nhiều thuận lợi do Chính phủ khuyến khích đầu tư và xuất khẩu sang Lào; nhiều doanh nghiệp đã sản xuất, kinh doanh tại Lào nên việc kết nối doanh nghiệp Lào tương đối dễ dàng. Theo nghị định sửa đổi về các đặc khu kinh tế và khu kinh tế chuyên biệt (SEZs) được Chính phủ Lào ban hành mới đây, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được hưởng một loạt các ưu đãi về hoãn thuế”, ông Somxay Sanamoune cho biết thêm.
Được biết, quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Lào đang ngày càng phát triển. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt – Lào trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 522,2 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017 (455,8 triệu USD). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Lào bao gồm: sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải, xi-măng, sản phẩm từ chất dẻo, dây và cáp điện, rau củ quả... Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Lào chủ yếu là phân bón, gỗ và sản phẩm gỗ, quặng và khoáng sản. Thông qua hoạt động thương mại biên giới, Việt Nam và Lào đã trao đổi được một khối lượng lớn các mặt hàng nông, lâm sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng công nghiệp và khoáng sản.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã đầu tư sang 24 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó Lào là địa bàn dẫn đầu với 80,12 triệu USD, chiếm 43,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài. Có được kết quả này là do Chính phủ Lào đã cải thiện rất tốt các thủ tục cấp chứng nhận đầu tư nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Năm 2017, TP Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức thành công chuỗi hoạt động về xúc tiến thương mại – đầu tư tại 3 tỉnh, thành phố của Lào là Viêng Chăn, Champasak và Savannakhet trong chuyến đi của Đoàn đại biểu cấp cao TP Hồ Chí Minh thăm hữu nghị tại Lào (từ ngày 25/7 đến ngày 01/8/2017).