Tăng tốc giải ngân tín dụng
Đến tháng 10, TP Hồ Chí Minh đã giải ngân hơn 548.000 tỷ đồng, vượt 7,5% so với kế hoạch. Đây là thành quả từ loạt hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và sự chủ động của các ngân hàng trong mở rộng tín dụng ưu đãi.
“Tăng trưởng tín dụng dạt 8,5% trong 9 tháng đầu năm chứng minh chương trình tín dụng ưu đãi đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh nhận xét.
Bên cạnh đó, NHNN giữ ổn định lãi suất cho vay qua điều hành linh hoạt, giúp duy trì mức lãi suất hợp lý và hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn. Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, việc điều chỉnh tỷ giá và cung cấp thanh khoản với chi phí thấp giúp ổn định kinh tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Điển hình như Agribank đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi với tổng giá trị 20.000 tỷ đồng, lãi suất 2,6%/năm cho các khoản vay ngắn hạn. Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ: “Các gói tín dụng này không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất mà còn phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông nghiệp”.
Nhiều ngân hàng khác cũng đưa ra sản phẩm tín dụng linh hoạt, lãi suất giảm từ 0,5% - 1,5% nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận vốn dễ dàng. Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc khối ngoại hối HSBC Việt Nam nhận xét, chi phí huy động vốn gia tăng đẩy các ngân hàng vào thế phải cân nhắc giữa việc giữ lãi suất thấp cho doanh nghiệp và duy trì biên lợi nhuận lãi thuần (NIM). Để giảm áp lực này, NHNN hỗ trợ thanh khoản, duy trì tỷ giá linh hoạt và đáp ứng nhu cầu vốn ngoại hối.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn thúc đẩy đầu tư vào các ngành dịch vụ và thương mại với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,5% cao hơn mức trung bình cả nước. Đây là kết quả của các biện pháp kích cầu tiêu dùng và chính sách tín dụng hỗ trợ kinh tế. Thành phố kỳ vọng, trong quý 4/2024, các gói tín dụng này sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội tăng trưởng, góp phần vào chỉ tiêu tăng trưởng 9% mà Thành phố đã đề ra.
Triển vọng kinh tế cuối năm
Nhờ các chính sách tín dụng và hỗ trợ từ ngân hàng, kinh tế TP Hồ Chí Minh đang dần lấy lại đà tăng trưởng.
Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, GRDP trong 9 tháng đầu năm tăng 6,85% so với cùng kỳ, phục hồi rõ rệt nhất là sản xuất và tiêu dùng. Chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố cũng đạt mức tăng 6,9%, nhiều doanh nghiệp ghi nhận các đơn hàng ổn định đến đầu năm 2025.
Đáng chú ý, ngành dịch vụ giữ vai trò quan trọng khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 10,5%, cao hơn mức trung bình cả nước. Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh nhận định: “Các chính sách kích cầu đang hỗ trợ tốt nhu cầu tiêu dùng nội địa, đồng thời giúp nhiều doanh nghiệp khôi phục sau thời gian khó khăn”.
Ngoài ra, Thành phố còn đặt mục tiêu quý 4/2024 tăng trưởng 9% và đẩy mạnh các dự án đầu tư công trọng điểm để tạo đà cho kinh tế như đường Vành đai 3, các khu công nghiệp... Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, các dự án này không chỉ hoàn thiện cơ sở hạ tầng mà còn góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất.
Để đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt 95% theo kế hoạch, TP Hồ Chí Minh đã tích cực tháo gỡ vướng mắc về thủ tục giải phóng mặt bằng và huy động nguồn vật liệu từ các tỉnh lân cận, đảm bảo tiến độ dự án. Các công trình hạ tầng giao thông và khu đô thị mới sẽ giúp gia tăng thanh khoản, đẩy nhanh triển khai, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố.
Nhờ các biện pháp quyết liệt từ ngân hàng và sự tập trung vào các dự án đầu tư công, TP Hồ Chí Minh hy vọng sẽ có một mùa kinh tế cuối năm sôi động, không chỉ hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng mà còn xây dựng nền tảng bền vững cho các năm tiếp theo. Các tín hiệu từ thị trường bán lẻ, dịch vụ và đầu tư công cho thấy, TP Hồ Chí Minh có khả năng giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế.
Nhìn về cuối năm 2024, TP Hồ Chí Minh đang đứng trước nhiều cơ hội để củng cố vị thế đầu tàu kinh tế quốc gia. Với các chính sách tín dụng linh hoạt và nỗ lực đẩy nhanh giải ngân vốn, Thành phố không chỉ mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp mà còn chuẩn bị tốt cho các đợt phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp cuối năm. Những nỗ lực phát triển hạ tầng và nâng cấp các khu đô thị cũng tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài, đồng thời thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, cuối năm còn là thời điểm nhiều doanh nghiệp dịch vụ và bán lẻ đẩy mạnh hoạt động nhằm đáp ứng sức mua lớn. Điều này không chỉ tạo việc làm mà còn kích thích sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GRDP của thành phố trong giai đoạn tới.