Vận tải thủy nội địa duy trì tăng trưởng tốt
Khác với đường bộ, vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa hiện vẫn duy trì tăng trưởng tốt, góp phần giữ nhịp cung ứng vận chuyển hàng hóa trong vùng dịch. Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT), 7 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa bằng đường thủy đạt hơn 150 triệu tấn, tăng khảng 17% so với cùng kỳ. Riêng đội tàu pha sông biển hoạt động tuyến ven biển có hơn 30.000 lượt tàu vào, rời cảng bến thủy, cảng biển (tăng 134%), sản lượng vận tải hàng hóa đạt gần 30 triệu tấn.
Báo cáo của các cảng vụ đường thủy nội địa cả nước gửi về Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, trong các đợt dịch COVID-19 từ năm 2020 - 2021, nhất là sau đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay, trong khi vận tải đường bộ gặp khó khăn, hàng không ngưng trệ, đường sắt chỉ vận tải hàng container, các tuyến vận tải hàng hóa bằng đường thủy vẫn duy trì hoạt động ổn định, góp phần phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa.
Theo ông Nguyễn Long, Trưởng phòng Vận tải (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, để việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thuận lợi, các cảng vụ đường thủy nội địa cần tạo điều kiện tối đa, làm thủ tục vào, rời cảng, bến nhanh nhất; đẩy mạnh làm thủ tục trực tuyến. Cụ thể, các phương tiện thủy khi vào, rời cảng bến thủy do đơn vị quản lý chỉ cần gửi hình ảnh, giấy tờ thuyền viên, phương tiện cho cảng vụ là được tiếp nhận, giải quyết thủ tục nhanh chóng để vào, rời cảng bến.
Mặc dù chủ trương chung là không hạn chế hoạt động đối với phương tiện thủy vận tải hàng hóa trên các tuyến đường thủy quốc gia, góp phần duy trì cung ứng vận tải hàng hóa, vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất, tuy nhiên những ngày gần đây, do dịch diễn biến phức tạp, nhất là tại các tỉnh phía Nam, khiến một số địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/TTg siết chặt kiểm soát vận tải thủy nội địa qua địa bàn. Các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau... đã không cho phương tiện vận tải hàng hóa ở địa phương khác vào hoặc yêu cầu tất cả thuyền viên trên phương tiện thủy nội địa phải có phiếu xét nghiệm âm tính với SARS-CoV2 hoặc test nhanh kháng nguyên.
Về vấn đề này, đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, yêu cầu trên đã gây bất cập, khó khăn đối với hoạt động và lưu thông vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa. Phương tiện thủy có thời gian hành trình 3-5 ngày và thuyền viên chỉ ở trên tàu. Nếu đã có kết quả xét nghiệm tại cảng, bến xuất phát, khi đến tỉnh khác cũng bị hết thời gian và thuyền viên phải đi xét nghiệm lại, gặp rất nhiều khó khăn để tìm nơi xét nghiệm. Vì vậy, vấn đề này cần được các địa phương thống nhất giản quyết đồng bộ.
Tạo mọi thuận lợi cho "luồng xanh" đường thủy nội địa
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký văn bản gửi các Bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Công an, Quốc phòng và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp đẩy mạnh hoạt động vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa trong điều kiện phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Theo người đứng đầu ngành GTVT, vận tải thủy có ưu điểm vượt trội so với các loại hình vận tải khác vì giá cước vận tải thấp, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa có khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng. Trong việc ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 hiện nay, vận tải hàng hóa đường thủy càng thể hiện được ưu điểm do ít tiếp xúc với cộng đồng. Vì vậy, Bộ GTVT luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa. Toàn bộ hệ thống đường thủy nội địa hiện nay đều được coi là hệ thống “luồng xanh” cho các phương tiện thủy nội địa tham gia vận tải hàng hóa.
Để đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là nông sản xuất khẩu trên các tuyến đường thủy, bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương "Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa trên đường thủy, nhằm tránh sự đứt gãy chuỗi vận tải, logistics phục vụ sản xuất và cung ứng hàng hóa cho nhân dân; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm”.
Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính các quyền địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển hàng hóa, nông sản trên các tuyến kênh, mương nội đồng để kết nối đến các tuyến đường thủy và các cảng, bến.
Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu các doanh nghiệp, người tham gia vận tải hàng hóa thực hiện nghiêm hướng dẫn, quy định của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan để bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19 trên hệ thống đường thủy hiệu quả; có phương án tổ chức lao động, sinh hoạt phù hợp để đảm bảo thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K”; chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện vận chuyển hàng hóa đúng mục đích. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân có vướng mắc trong hoạt động vận tải thủy có thể phản ánh về các kênh liên lạc đường dây nóng: 0979.388.019, Email: vt-atgt.viwa@mt.gov.vn của Bộ GTVT.
"Bộ Y tế đã có văn bản cho phép các đơn vị y tế cấp xã trở lên và y tế tư nhân được lấy mẫu, cấp chứng nhận xét nghiệm kết quả SARS-CoV-2 cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, đặc thù của vận tải thủy là phương tiện, thuyền viên thường liên tục ở trên sông nước và cảng, bến cách xa các trung tâm y tế, nên việc đi lại để xét nghiệm y tế gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các địa phương trong vùng dịch nên tổ chức các điểm xét nghiệm lưu động, cấp giấy chứng nhận y tế tại các cảng, bến thủy lớn hoặc cảng biển để tạo thuận lợi cho thuyền viên, phương tiện thủy", ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam đề xuất.