Tại tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho biết, cùng với tỉnh Hòa Bình, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các tỉnh (Bình Thuận, Phú Yên, Vĩnh Phúc, Kiên Giang, An Giang) và 10 tập đoàn, tổng công ty lớn của cả nước tổ chức các buổi tọa đàm, khảo sát, lấy ý kiến đóng góp. Đây là cơ sở quan trọng để ban soạn thảo, tổ biên tập nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án của Chính phủ.
Ông Nguyễn Quốc Văn nhấn mạnh, những ý kiến tại buổi tọa đàm của lãnh đạo các sở, ban, ngành và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thể hiện trách nhiệm của địa phương đối với việc xây dựng Đề án của Chính phủ. Viện sẽ nghiên cứu và đề xuất lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong thời gian tới.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Trường, Chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình cho biết: Theo báo cáo, hiện Hòa Bình có 43 doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa; trong đó có 41 doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn trước năm 2011, 2 doanh nghiệp cổ phần hóa trong giai đoạn 2011-2017. Hiện nay, số doanh nghiệp chiếm từ 40-100% vốn nhà nước là rất ít.
Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản của Trung ương, của tỉnh về phát triển và đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát nói chung và công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nói riêng. Tỉnh đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước phù hợp với cơ chế thị trường; khuyến khích doanh nghiệp nhà nước đổi mới phương thức hoạt động theo hướng tự chủ kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch.
Ông Nguyễn Văn Trường đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các luật liên quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc về quy trình xử lý, ra quyết định điều hành sản xuất kinh doanh, tạo sự bình đẳng cho doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp ngoài nhà nước; tăng cường sự giám sát đối với quá trình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; ban hành cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ của người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; làm rõ kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân và người đứng đầu không hoặc chậm thực hiện kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán; tăng cường kiện toàn bộ máy quản lý doanh nghiệp và bố trí cán bộ quản lý, người đại diện phần vốn nhà nước đủ phẩm chất đạo đức, năng lực tại doanh nghiệp…
Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý 5 nhóm vấn đề thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước như: Nguy cơ, thực trạng vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực trạng hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát; phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong doanh nghiệp nhà nước tại địa phương; đề xuất các giải pháp, kiến nghị cần có để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh, kiểm tra, kiểm toán, giám sát; thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát nội bộ nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong doanh nghiệp nhà nước.
Kết thúc tọa đàm đã có 12 ý kiến, kiến nghị về quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại đơn vị còn nhiều vướng mắc. Trong đó, có ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý cần tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định; thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra đột xuất, thanh tra lại khi phát hiện dấu hiệu vi phạm; tổ chức bộ máy giám sát cần đảm bảo chặt chẽ. Các bộ, ngành và địa phương phải có đầu mối thống nhất, không chồng chéo trong xây dựng kế hoạch thanh tra. Các doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện tốt công tác kiểm soát nội bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của ban kiểm soát; tăng cường công tác kiểm toán nội bộ, đánh giá đúng, chính xác, khách quan hiệu quả sử dụng vốn và sản xuất kinh doanh...