Việc chậm nộp thuế có thể khiến doanh nghiệp phải chịu mức nộp phạt. Về quy định này, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, Luật Quản lý thuế đã xử lý giảm dần mức tính tiền chậm nộp (trước kia gọi là phạt chậm nộp) đối với doanh nghiệp vi phạm. Theo đó, năm 2014, tiền chậm nộp được tính như sau: chậm nộp trong 90 ngày tính tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày; chậm nộp trên 90 ngày tính theo mức 0,07%/ngày. Từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2016, tính thống nhất mức 0,05% ngày. Từ ngày 1/7/2016 đến nay mức 0,03%/ngày.
Đối với cán bộ thuế, hải quan… nếu thuộc trách nhiệm của cán bộ, cơ quan thuế, hải quan thì Luật quy định cơ quan thuế hải quan phải chịu trách nhiệm trả thêm cho doanh nghiệp số tiền lãi do thu thuế quá, ấn định thuế sai, hoàn thuế chậm.
“Tuy nhiên, tỷ lệ quy định giữa cơ quan thuế, hải quan so với doanh nghiệp phải tính chậm nộp được tính theo cơ sở khác nhau. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khi chậm nộp phải tự tính tiền chậm nộp, nếu không tự tính cơ quan thuế, hải quan sẽ truy thu. Tuy nhiên cơ quan thuế, hải quan trả tiền lãi cho doanh nghiệp phải qua nhiều thủ tục. Doanh nghiệp đôi lúc ngại va chạm nên ít làm thủ tục đòi tiền từ cơ quan thuế, hải quan. Doanh nghiệp cảm nhận chưa được bình đẳng về đối xử”, bà Cúc nói.
Đại diện Hội Tư vấn thuế cho rằng: Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn về việc xác định yếu tố chủ quan, khách quan và quy trách nhiệm cụ thể trong xác định tính chậm nộp thuộc trách nhiệm mỗi bên. Đối với việc xác định giá trị tính thuế nhập khẩu cũng nên hoàn chỉnh để dễ tính toná, thống nhất trong quan điểm thực hiện, tránh thiệt cho doanh nghiệp, lợi cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo yếu tố công bằng, bình đẳng.
Tại Hội thảo về những thay đổi trong quy định thuế và hải quan do Eurocham tổ chức mới đây, đại diện Hội Tư vấn thuế cũng đề cập về cuộc khảo sát do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam công bố mới đây. Theo đó, nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt ban hành Nghị quyết 19 trong 4 năm liên tiếp đã đem lại nhiều kết quả tích cực nhưng gánh nặng thuế phí vẫn đè nặng lên hoạt động.
Báo cáo khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp với ngành thuế năm 2016 cho thấy nhiều chỉ tiêu có đánh giá tốt hơn năm 2014. Chất lượng, tính dễ tiếp cận của hệ thống chính sách, trình độ nghiệp vụ, văn hóa ứng xử của cán bộ thuế có chuyển biến tốt. Về thủ tục hải quan, có trên 90% doanh nghiệp hoàn toàn hài lòng về việc tiếp cận thông tin thủ tục hành chính hải quan qua các trang web của ngành Hải quan cũng như qua các cuộc tập huấn hoặc đối thoại hải quan. Đa số các doanh nghiệp hải lòng với các phương thức tiếp cận thông tin khác như trực tiếp tới gặp, gọi điện, gửi công văn…
Cảm nhận của 86% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, cơ quan hải quan cung cấp thông tin thống nhất, 84% đánh giá thông tin là sẵn có, dễ tìm và 87% doanh nghiệp cho biết các biểu mẫu thủ tục hành chính hải quan dễ điền.
Tuy nhiên khảo sát năm 2016 cho thấy, 34% doanh nghiệp cho biết có hiện tượng chi trả chi phí không chính thức, cao hơn mức 32% trong khảo sát năm 2014, thậm chí, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn cao hơn, lên đến 44%.