Tuy nhiên, trà vải thiều chính vụ còn trong giai đoạn chăm sóc và dự kiến sẽ cho thu hoạch vào đầu tháng 6 tới. Hiện nay, ngoài việc giám sát, quản lý chặt chẽ quy trình chăm sóc đối với những diện tích vải được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, ngành nông nghiệp Hải Dương đang đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp với vùng trồng để tạo đà cho việc tiêu thụ vải chính vụ thuận lợi.
Khi doanh nghiệp vào cuộc
Thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tỉnh Hải Dương đã kịp thời có kịch bản tiêu thụ vải cho niên vụ 2020. Tỉnh có chính sách mở rộng vùng sản xuất vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu và thị trường cao cấp; trong đó, 19 vùng vải đã được cấp mã số vùng trồng với diện tích 170ha vải để xuất khẩu đi Mỹ, Australia và EU. Ước tính vụ vải năm 2020, vùng này sẽ cho thu hoạch trên 1.000 tấn.
Với nỗ lực kết nối doanh nghiệp của ngành nông nghiệp và các vùng vải trọng điểm của Hải Dương, nhiều doanh nghiệp gần đây liên tục về khảo sát vùng nguyên liệu. Bản thân các doanh nghiệp cũng chủ động vừa chuẩn bị cơ sở hạ tầng vừa gặp gỡ, ký kết các hợp đồng tiêu thụ.
Là một trong những doanh nghiệp lớn về chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Hưng Việt (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đã vào cuộc sớm thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng bảo quản, chế biến, đóng gói sản phẩm. Ngày 16/4, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã kiểm tra và cấp chứng nhận cho cơ sở xử lý, xông Methybromide cho quả vải xuất khẩu đi Nhật Bản do công ty Hưng Việt đầu tư xây dựng. Đây là một trong 3 cơ sở của cả nước được cấp phép xử lý, xông Methybromide cho quả vải xuất khẩu đi Nhật Bản.
Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hưng Việt cho biết: Từ đầu vụ vải đến nay, công ty đã có nhiều chuyến hàng chở vải sơ chế, đóng gói xuất qua cửa khẩu Lào Cai sang Trung Quốc. Riêng hệ thống xông Methybromide cho quả vải xuất khẩu đi Nhật Bản đã vận hành thử với kết quả tốt và sẵn sàng cho những lô hàng đầu tiên đưa sang Nhật Bản.
Bên cạnh Hưng Việt, còn có nhiều doanh nghiệp đang triển khai xuất khẩu quả vải sang Trung Quốc như: Công ty cổ phần Ameii, Công ty TNHH Một thành viên Hưng Việt, Công ty TNHH xốp Phúc Cường và riêng Công ty cổ phần Bamboo xuất khẩu theo đường biển sang Trung Quốc.
Nhiều doanh nghiệp đã gửi đăng ký đơn hàng với các vùng nguyên liệu ở Hải Dương, sẵn sàng đưa quả vải xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ, Australia, Singapore, Canada như: Công ty cổ phần Bamboo, Công ty cổ phần Ameii, Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty xuất nhập khẩu nông sản Thanh Hà.
Trong tháng 4/2020, một doanh nghiệp đã đến làm việc với huyện Thanh Hà để bàn phương án hợp tác, sử dụng nhà sơ chế vải của xã Thanh Xá làm điểm thu mua, sơ chế vải thiều và các mặt hàng nông sản khác của tỉnh phục vụ xuất khẩu đi Nhật Bản, Singapore, Australia, Canada… Doanh nghiệp cũng đã ký hợp đồng bao tiêu vải tại các vùng trồng vải của tỉnh đã được cấp mã số.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thương lái Trung Quốc không về tận vùng nguyên liệu để thu mua vải như những năm trước. Thay vào đó, họ đón hàng tại các cửa khẩu do doanh nghiệp trong nước thu mua và vận chuyển đến. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, đây cũng là lợi thế, cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước phát huy vị thế của mình, góp phần vào một vụ vải thành công.
Đối với kênh tiêu thụ nội địa, ngành nông nghiệp Hải Dương và các địa phương có diện tích vải lớn đã chủ động kết nối với một số doanh nghiệp thu mua nông sản để thu mua và cung cấp vải bán tại các hệ thống siêu thị BigC, Aeon, Hapro…
Hiện nay, tại vùng vải huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, những giống vải sớm như u trứng và u hồng đã cho thu hoạch khoảng một tuần nay, việc tiêu thụ vải đầu mùa đang thuận lợi ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Giá vải thu mua tại vườn hiện dao động từ 38.000 - 40.000 đồng/kg.
Gia đình anh Nguyễn Văn Quý, thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà có hơn 1ha vải; trong đó khoảng 50% diện tích là vải sớm. Hiện tại, gia đình anh đã thu hoạch vải u hồng và được siêu thị ở Hà Nội thu mua với giá 40.000 đồng/kg.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cũng cho biết, ngành đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ vải và nông sản trên địa bàn.
Giám sát chặt chẽ
Hải Dương hiện có khoảng 9.700ha vải, tập trung chủ yếu tại huyện Thanh Hà với 3.600ha và thành phố Chí Linh 3.900ha. Trà vải sớm với các giống vải u trứng, u hồng, u thâm và tàu lai cho thu hoạch từ ngày 5 - 30/5 với sản lượng ước tính 20.000 tấn. Trà vải thiều dự kiến cho thu hoạch từ ngày 1 - 25/6 và ước tính sản lượng khoảng 25.000 tấn.
Lâu nay, rào cản lớn nhất với quả vải khi xuất khẩu vẫn là tiêu chí dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, năm 2020, tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm và giám sát chặt chẽ quy trình chăm sóc của bà con nông dân.
Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Dương cho biết: “Để đảm bảo việc nông dân chấp hành nghiêm hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, Chi cục đã cử cán bộ phát thuốc tận nơi, hướng dẫn cách phun cho các tổ sản xuất và đề nghị địa phương quán triệt bà con nông dân tuân thủ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của cơ quan chuyên môn, không trộn thêm các loại thuốc khác”.
Là một trong những hộ có diện tích trong vùng được quy hoạch vải xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU, gia đình anh Nguyễn Văn Quý, thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà đã tuân thủ quy trình chăm sóc vải theo hướng dẫn của cán bộ Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh.
Anh Quý chia sẻ, nhiều năm trước cũng như nhiều hộ dân thường ra các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật gần nhà và mua theo tư vấn của người bán, nhiều khi không nhớ tên thuốc. Hiện nay, khi tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP, đặc biệt từ khi có tên trong vùng vải xuất khẩu đi những thị trường khó tính, anh chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật được phép, phun đúng quy trình, thời điểm và liều lượng phun thuốc theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
“Làm đúng hướng dẫn như thế, lượng thuốc trừ sâu được sử dụng đã giảm rõ rệt. Nếu cách làm này ứng dụng rộng rãi, người nông dân rất được lợi”, anh Quý tin tưởng.
Với sự tích cực của chính quyền địa phương, ý thức của người trồng vải ngày càng được nâng lên, hy vọng năm nay quả vải Hải Dương sẽ chinh phục được nhiều thị trường cao cấp, người trồng vải sẽ có một mùa bội thu.