Tín dụng tăng trưởng khả quan

Tại buổi họp báo thường kỳ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chiều 25/4, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết: Tính đến ngày 22/4, tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 0,62% so với cuối năm 2013.

 

Hoạt động tín dụng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh Đồng Nai. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN


Với mức tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu khả quan hơn, NHNN cho rằng, tín dụng sẽ tăng trở lại từ quý 2 và có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm. Tuy nhiên, cần nỗ lực giải quyết nợ xấu để hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh hơn.

Đến hết tháng 2, nợ xấu của toàn hệ thống còn 122.000 tỷ đồng, chiếm 3,86%.


Theo bà Hồng, tính đến ngày 22/4, tín dụng đã tăng 0,62% và theo quy luật hàng năm tín dụng tăng từ quý 2/2014. Vì vậy, chỉ tiêu định hướng năm 2014 chưa có điều chỉnh, vẫn ở mức 12- 14%. Bốn tháng đầu năm, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chủ động đưa tiền ra và rút tiền về linh hoạt qua các kênh để kiểm soát lượng tiền cung ứng, hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối trong điều kiện mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đến ngày 22/4, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,93% so với cuối năm 2013, huy động vốn tăng 3,09% so với cuối năm 2013; thanh khoản của hệ thống TCTD được đảm bảo, lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm và hiện ổn định ở mức thấp.


Đại diện NHNN cho biết: Lãi suất các khoản vay cũ tiếp tục được các TCTD tích cực điều chỉnh giảm, đến ngày 3/4/2014, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chỉ còn chiếm 5,5% tổng dư nợ cho vay VND, giảm mạnh so với tỷ trọng 65,8% trước thời điểm 15/7/2012; dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 13%/năm chiếm 16,62% tổng dư nợ cho vay bằng VND, giảm so với tỷ trọng 31% vào tháng 6/2013.


Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) cho hay: Đến nay VAMC đã mua được nợ xấu của 35 TCTD với số nợ gốc là trên 45.000 tỷ đồng nợ xấu và được thanh toán bằng trái phiếu trị giá bằng 37.600 tỷ đồng. Công ty đang tiến hành phân loại các khoản nợ xấu để đánh giá khoản nào cần tái cơ cấu, khoản nào bán, khoản nào thu hồi nợ. Thời gian tới, VAMC tiếp tục phối hợp với các TCTD, xây dựng danh mục để dần dần hình thành thị trường thứ cấp để bán nợ xấu. Trước mắt phân loại, đối với loại tài sản liên quan tới bất động sản, khu công nghiệp, bệnh viện, chung cư… ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hải Dương.


Giải quyết vấn đề nợ xấu sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt đang cản trở tiến trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD. Vì vậy theo NHNN, từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD đề ra tại Quyết định 254/QÐ-TTg, trong đó tập trung vào các giải pháp chính sau đây: Tiếp tục đánh giá thực trạng hoạt động của các TCTD trên cơ sở số liệu giám sát, kết quả thanh tra và kiểm toán độc lập nhằm tiếp tục xác định các TCTD yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro để ưu tiên xử lý, cơ cấu lại; hoàn thành căn bản nội dung cơ cấu lại tài chính đối với TCTD với trọng tâm là xử lý nợ xấu và tăng quy mô, chất lượng vốn tự có của TCTD; đẩy mạnh cơ cấu lại hoạt động của TCTD, trong đó tập trung củng cố, phát triển các hoạt động kinh doanh chính; loại bỏ các lĩnh vực kinh doanh rủi ro, kém hiệu quả, giảm bớt mức độ tập trung tín dụng vào một số ngành nghề, khách hàng vay lớn; tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng, kiểm soát quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, phù hợp với năng lực quản trị và tài chính của TCTD.


Minh Phương

Khơi thông tín dụng cho nông nghiệp

Là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho vay phát triển, nông nghiệp đang được hy vọng khởi sắc đem lại cuộc sống sung túc hơn cho nhà nông. Tuy nhiên, hành trình “chạm” đến nguồn vốn này vẫn còn lắm nhiêu khê với nhiều nông hộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN