Theo dự kiến của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), năm 2015 nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện trong nước khoảng 23 – 24 triệu tấn, tăng khoảng 6 triệu tấn so với năm 2014. Với tính toán gần nhất theo Quy hoạch điện 7 thì nhu cầu than cho điện còn cao hơn gấp đôi so với con số nêu trên. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Vinacomin, do nhiều dự án nhiệt điện chậm tiến độ nên nguồn than trong nước vẫn có thể cân đối cung ứng đủ cho năm 2015. Nhưng từ năm 2016 trở đi sẽ phải nhập khẩu khoảng vài triệu tấn và đến năm 2020 có thể lên 20 – 30 triệu tấn/năm.
Khu vực tuyển than tại khai trường mỏ than Khánh Hòa (Thái Nguyên) thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. |
Ông Biên cho biết, nhu cầu than cho phát điện ngày càng cao. Theo Quy hoạch điện 7, chiếm tỷ trọng lớn nguồn điện của Việt Nam là nguồn nhiệt điện than. Theo dự báo, có tới 1/3 nhà máy nhiệt điện than sẽ phải dùng than nhập khẩu sau năm 2015. Với việc đầu tư các mỏ mới đòi hỏi thời gian dài và nguồn vốn lớn, chưa thể đáp ứng được nhu cầu trước mắt thì việc phải tìm nguồn cung than cho các nhà máy điện cũng cần được tính đến.
Đứng trước mối lo ngại trên, trong cuộc họp bàn về nhập khẩu than gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo, than sản xuất trong nước được ưu tiên cung ứng cho các nhà máy điện gần mỏ than và các nhà máy điện khu vực miền Bắc. Than nhập khẩu chủ yếu cung ứng cho các nhà máy điện khu vực miền Nam và miền Trung. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu than sớm ký hợp đồng nguyên tắc với Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc về cung cấp than theo đúng quy định, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối này tìm nguồn than cung cấp ổn định, với chất lượng và giá cả phù hợp.
Là đơn vị được giao chủ trì nhập khẩu than cho các nhà máy điện trong nước khi có nhu cầu, Vinacomin cũng đã chủ động đàm phán tìm kiếm hợp đồng nhập khẩu than, trong đó có các nhà kinh doanh than thương mại lớn trên thế giới, các đơn vị sản xuất than trực tiếp. Ông Nguyễn Văn Biên cho biết, với các hợp đồng đã ký, Vinacomin đã có nguồn than để đảm bảo cung cấp than theo tiến độ đã cam kết với các chủ đầu tư. Mới đây, Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc với EVN để cấp than cho các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 4; đồng thời đang tiếp tục đàm phán với các chủ đầu tư để cung cấp than nhập khẩu cho các nhà máy điện khác.
“Về lâu dài nhu cầu nhập khẩu than than sẽ tăng cao, nhất là những năm sau 2018 - 2020, với sản lượng nhập khẩu cao như vậy thì ngoài ký kết hợp đồng nhập khẩu với các nhà cung cấp thì cũng cần tính đến việc hợp tác khai thác than ở nước ngoài. Hiện chúng tôi đang làm việc với một số nước có nguồn tài nguyên để hợp tác khai thác, nhằm chủ động hơn về nguồn cung và duy trì được sự ổn định lâu dài cho các nhà máy điện”, ông Biên nói.
Việc hợp tác này có thể coi là một lợi thế của Vinacomin vì ngành than đã phát triển nhiều năm nay, có đội ngũ kỹ sư, công nhân khai thác mỏ giàu kinh nghiệm, sau khi thực hiện lộ trình giảm dần khai thác mỏ lộ thiên ở trong nước thì có thể đưa đội ngũ công nhân này đi hợp tác khai thác mỏ ở nước ngoài.
Để chuẩn bị cho lộ trình nhập khẩu than, Vinacomin vẫn đang thí điểm nhập than và tìm hiểu nhiều đối tác ở Indonesia, Malaysia, Nga, Ukraina… Từ năm 2011, Vinacomin đã thí điểm nhập hơn 9.500 tấn than từ Indonesia để cung cấp cho thị trường phía Nam. Theo tính toán từ Tập đoàn, giá than nhập khẩu từ Indonesia cộng với chi phí vận chuyển nếu cung ứng cho các nhà máy điện tại miền Trung và miền Nam thì sẽ kinh tế hơn so với việc khai thác và vận chuyển than từ các mỏ phía Bắc. Tháng 8 vừa qua, 41.500 tấn than Antraxit được Vinacomin nhập khẩu từ Liên bang Nga về cảng Hòn Nét (Quảng Ninh). Đây cũng là lô than đầu tiên có chất lượng cao được nhập khẩu về để cung cấp cho thị trường nội địa và các nhà máy nhiệt điện.
Bên cạnh nguồn than do Tập đoàn Than sản xuất và nhập khẩu để cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện theo cam kết thì EVN, PVN cũng chủ động triển khai các thủ tục để tìm kiếm nguồn hàng phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện của mình. Hiện EVN có 3 dự án sẽ phải dùng than nhập khẩu trong tương lai gần là dự án Duyên Hải 3 mở rộng (600MW), Vĩnh Tân 4 (1.200MW), Duyên Hải 3 (1.200MW). Với tổng công suất 3.000 MW thì nhu cầu tiêu thụ than nhập sẽ khoảng 10 triệu tấn than/năm. Trong khi đó, PVN với 5 nhà máy nhiệt điện than trong quy hoạch có tổng công suất 6.000MW, trong đó, 3 nhà máy sẽ dùng than nhập khẩu là Long Phú 1, Quảng Trạch 1 và Sông Hậu 1. Đầu tháng 10/2014, Công ty nhập khẩu và phân phối than điện lực Dầu khí (PV Power Coal) đã Ký hợp đồng khung mua bán than dài hạn với các đối tác Bukit Asam và Prima multi Minerals (Indonesia). Theo hợp đồng ký kết, PV Power Coal sẽ nhập khoảng 2 triệu tấn than/năm với đối tác Bukit ASam và 1 triệu tấn/năm với đối tác Prima multi Minerals và đảm bảo nguồn than nhập khẩu trong vòng ít nhất 10 năm.
Song song với việc tính toán cho lộ trình nhập khẩu thì Tập đoàn Vinacomin tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy mạnh nhịp độ sản xuất trong các tháng mùa khô, tăng sản lượng sản xuất, tiêu thụ, tập trung bóc đất, đào lò để đảm bảo sản lượng than năm 2014 và chuẩn bị tốt cho năm 2015. Đặc biệt, Tập đoàn chú trọng vào các dự án khai thác mỏ có công suất trên 2 triệu tấn/năm như Khe Chàm III, Núi Béo để không ngừng tăng sản lượng khai thác, tiếp đến là Khe Chàm II-IV công suất 3,5 triệu tấn/năm, dự kiến đến năm 2017 sẽ xây dựng xong. Hiện tại, Vinacomin tiếp tục duy trì công suất phát cho các nhà máy nhiệt điện Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả, Mạo Khê, đồng thời triển khai thủ tục đảm bảo các nhà máy nhiệt điện Na Dương 2, Cẩm Phả 3 thực hiện đúng tiến độ phát điện theo chỉ đạo của Chính phủ.
Hoàng Tùng