Tìm cách dần tự chủ

Làm thế nào để Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và tiếp cận các thị trường công nghệ mới? Đó là vấn đề cốt lõi được đặt ra với nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Ông Vũ Tiến Lộc (ảnh), Chủ tịch VCCI đã chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức về vấn đề này.

 

Ông Vũ Tiến Lộc

 

´Xin ông cho biết, VCCI sẽ làm gì để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự chủ trong xuất nhập khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc?


Sắp tới chúng tôi sẽ có cuộc gặp riêng với từng hiệp hội, bàn cụ thể về việc phối hợp hành động giữa các hiệp hội và VCCI. Từ đó, chúng tôi sẽ triển khai một loạt các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các thị trường mới, cũng như tiếp cận công nghệ mới để ứng dụng vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.


Đặc biệt, chúng tôi sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến về các hiệp định thương mại như: Việt Nam - EU, đối tác xuyên Thái Bình Dương và các hiệp định tự do thương mại mới để các doanh nghiệp nắm được đầy đủ thông tin, có thể tự tìm cách tiếp cận tốt nhất với các thị trường này.


Hơn nữa, việc tiếp cận của các doanh nghiệp không chỉ dừng ở khía cạnh tiêu thụ hàng hóa, thị trường cung cấp nguyên vật liệu mà còn tiếp cận thị trường công nghệ, thị trường vốn để thực sự nâng cao năng lực của mình.

 

´Theo ông, nếu việc xuất nhập khẩu với Trung Quốc bị “đóng băng” thì kinh tế Việt Nam có tự chủ được không?


Trước hết, phải nói rằng, trong thời gian tới, chúng ta vẫn phải nỗ lực duy trì sự ổn định trong quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc, nhưng đồng thời cần nỗ lực để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nguồn cung ứng nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp, cũng như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đây là một thách thức cũng như một cơ hội, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản. Vì việc này đòi hỏi chúng ta phải nâng cao chất lượng hàng hóa, vượt qua được các hàng rào kỹ thuật khắt khe hơn, từ đó chúng ta sẽ nâng cao được năng lực bản thân.


Với sự phối hợp đồng bộ của các hiệp hội, doanh nghiệp và sự trợ giúp của Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện điều này. Tuy nhiên, tôi nghĩ trước mắt chúng ta vẫn phải tận dụng triệt để xuất khẩu sang Trung Quốc, tận dụng cơ hội để nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào giá rẻ, nhưng từng bước phải thực hiện đa dạng hóa thị trường.

 

´Như vậy, chúng ta có thể lạc quan về việc Việt Nam có thể tự chủ về kinh tế, thưa ông?


Tôi cho rằng, chúng ta sẽ thực hiện được điều này. Bản thân các doanh nghiệp ở một số lĩnh vực đã chuẩn bị kế hoạch đa dạng hóa thị trường. Trong thời gian qua, họ đã có những bước đi đầu tiên cho kế hoạch này. Ví dụ, một số doanh nghiệp, hiệp hội đã có thỏa thuận mới với các thị trường khác, tìm tới các nguồn cung ứng nguyên liệu mới từ: Ấn Độ, Hàn Quốc… thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, vẫn cần các chính sách và sự hoạt động đồng bộ của các bộ, ngành để tiếp sức cho doanh nghiệp.


Thực tế, nguyên liệu từ Trung Quốc có giá phù hợp, thời gian giao hàng nhanh vì điều kiện địa lý. Khi chuyển sang thị trường mới, chúng ta sẽ gặp khó khăn cả về chi phí, thời gian giao hàng. Nhưng chúng ta không có cách nào khác là phải đi từng bước nâng cao chất lượng của các sản phẩm hàng hóa, để chúng ta có thể xuất khẩu đi các thị trường khó tính hơn nhưng giá trị sẽ cao hơn.


Xin cảm ơn ông!

 

 Hữu Vinh – Hoàng Dương

Chủ động tự chủ kinh tế
Chủ động tự chủ kinh tế

Những căng thẳng đang diễn ra trên Biển Đông là cơ hội để Việt Nam nhìn nhận lại mối quan hệ về kinh tế với Trung Quốc. Hiện nay, nền kinh tế chúng ta lệ thuộc lớn vào Trung Quốc khi nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 23,7 tỷ USD năm 2013.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN