Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho cá tra

Ngày 26/ 11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) họp bàn tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh việc cho vay đối với cá tra, đồng thời cần phải kiểm tra, giám sát đảm bảo nguồn vốn đến được với người dân và doanh nghiệp nuôi, chế biến, xuất khẩu.

 

Khó khăn lớn nhất là vốn


Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khó khăn lớn nhất đối với sản xuất và tiêu thụ cá tra hiện nay vẫn là vốn.


Nuôi cá tra tại quận Ô Môn (Cần Thơ).

 

Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng 15% so với thời điểm cuối năm ngoái. Tỷ lệ nông dân nuôi cá tra bỏ ao ngày càng nhiều. Doanh nghiệp đang từng bước chủ động vùng nguyên liệu, nhưng chính sách tín dụng để khuyến khích chuyển đổi sang mô hình này chưa có.


Để tháo gỡ khó khăn cho cá tra, cách đây 4 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước giãn nợ, hạ lãi suất với các khoản vốn đã vay, tiếp tục cho vay mới với lãi suất thấp nhất 11% cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, theo VASEP, đến nay, nhiều người nuôi và doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này.


Theo VASEP, quý IV, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt khoảng 470 triệu USD, tăng 7% so với quý III, bởi có tình trạng một số doanh nghiệp có nguồn tài chính không ổn định, sản phẩm chất lượng thấp phải bán tháo với giá thấp để thu hồi vốn. Do đó, doanh số bán hàng của doanh nghiệp có thể tăng, nhưng thực tế lợi nhuận lại bị thu hẹp, thậm chí thua lỗ.

 

Hạn chế việc dùng vốn vay sai mục đích


Theo Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 9/2012, đã có trên 38.200 tỷ đồng được cho vay để phục vụ nuôi và tiêu thụ cá tra. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng: “Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về việc có trên 5.900 hộ dân và trên 280 doanh nghiệp sản xuất cá tra đã được vay vốn là hết sức vô lý. Cần phải kiểm tra xem có khi doanh nghiệp cá tra vay vốn nhưng lại không phục vụ nuôi, chế biến cá tra. Tránh tình trạng hồ sơ cho vay là nuôi cá nhưng thực tế là đầu tư vào mục đích khác”, ông Dũng nói.


Cố gắng nuôi duy trì đàn cá tra tại một hộ gia đình ở quận Ô Môn (Cần Thơ). Ảnh: Duy Khương – TTXVN

Theo một đại diện Văn phòng Chính phủ, khó khăn mà ngành cá tra đang gặp phải đã cho thấy, ngành này vẫn chưa đảm bảo được tính bền vững trên cả phương diện cung - cầu cũng như quản lý quy hoạch sản xuất ở địa phương. Tình trạng sử dụng nguồn vốn vay không đúng mục đích vẫn còn nên cần kiểm tra xem nguồn vốn vay rơi vào đâu?


Một thực tế khác là hiện các ngân hàng chỉ cho vay vốn ngắn hạn nên doanh nghiệp nuôi cá tra luôn phải loay hoay tìm cách đáo hạn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có thế chấp, nhưng thực tế rất ít doanh nghiệp còn tài sản để được vay với lãi suất ưu đãi.


Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương cho rằng, nguồn vốn hỗ trợ phải được đổ vào đúng các doanh nghiệp khỏe, phát triển đúng mục đích kinh doanh sản xuất. Các ngân hàng cũng cần phân loại các khoản vay như: ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn cho từng lĩnh vực cụ thể để doanh nghiệp và người nuôi sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tránh tình trạng phải vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn.


Để giữ uy tín cho sản phẩm cá tra xuất khẩu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản sớm xây dựng thông tư quy định về hàm lượng mạ băng, các chất phụ gia tăng trọng… chống tình trạng gian lận, phá giá, góp phần bình ổn thị trường xuất khẩu cá tra.

Trước thực tế này, một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra khác đề xuất: Ngân hàng nên xem xét các doanh nghiệp tốt để cho vay, bởi hiện chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp sản xuất chế biến cá tra nhưng chế biến chiếm tới 70% sản lượng.


Để nguồn vốn đến với người nuôi và doanh nghiệp dễ dàng hơn, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đối tượng có nhu cầu vay vốn thực sự để phát triển nuôi cá tra có thể đề nghị UBND địa phương bảo lãnh vốn vay. Ngân hàng Nhà nước sẽ trực tiếp chỉ đạo cán bộ xuống địa phương để thẩm định cho vay.


Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh việc cho vay đối với cá tra, đồng thời cần phải kiểm tra, giám sát đảm bảo việc cho vay đúng vào lĩnh vực nuôi, chế biến, xuất khẩu. Để nguồn vốn vay đến đúng mục đích nuôi cá, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế tăng cho vay trung và dài hạn. Trong quá trình vay, các ngân hàng có thể chọn các doanh nghiệp tốt để cho vay.

 

Bích Hồng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN