Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Hội nông dân Việt Nam:

Tiền Hải - “Tiếng trống năm 30 còn vang vọng đến bây giờ”

Là huyện ven biển ở phía Đông Nam tỉnh Thái Bình, Tiền Hải được hình thành từ công cuộc quai đê lấn biển, thau chua rửa mặn bãi biển Tiền Châu của doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ năm 1828. Cũng tại nơi này cách đây 80 năm trước (14/10/1930), nông dân Tiền Hải đã vùng dậy khởi nghĩa chống thực dân Pháp, đánh dấu mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, như một bản anh hùng ca bất diệt mà “Tiếng trống năm 30 còn vang vọng đến bây giờ”...

Vùng nuôi ngao bãi triều ở xã Đông Minh, huyện Tiền Hải (Thái Bình).

Thời gian trôi qua, có biết bao đổi thay trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này. Từ một vùng đất nghèo nàn và lạc hậu, đến nay, Tiền Hải đã trở thành một trong những vùng đất có nền kinh tế phát triển nhất tỉnh. Tổng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt hơn 2.500 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 16%/năm, thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt trên 13,5 triệu đồng. Tiền Hải có gần 13.000 ha canh tác, trong đó có 10.700 ha đất 2 lúa, còn lại là đất màu và các cây công nghiệp. Là vùng đất trẻ ven biển, cách đây chưa lâu, đất canh tác của Tiền Hải chiếm 35-40% là chua mặn, năng suất cây trồng thấp. Phát huy truyền thống cha ông, những năm qua Tiền Hải đã đầu tư mỗi năm hàng chục tỷ đồng để cải tạo đồng ruộng bằng biện pháp thủy lợi. Đi liền với cải tạo đất, Tiền Hải đã lãnh đạo nông dân tích cực đổi mới cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Là một trong số huyện đi đầu đổi mới, đưa 100% diện tích cấy bằng các giống lúa ngắn ngày năng suất cao, đồng thời bằng nhiều biện pháp đã đưa khoa học kỹ thuật đến hộ và người lao động nông nghiệp. Nhờ vậy, năng suất lúa từ một huyện đứng dưới trung bình của tỉnh, nay đã vươn lên đạt 12,5 tấn/ha. Không chỉ có thế, Tiền Hải đang là huyện dẫn đầu Thái Bình về việc quy hoạch vùng sản xuất, cấy các giống lúa chất lượng cao làm hàng hóa. Nếu như năm 2007, diện tích giống lúa chất lượng cao chiếm 35%; năm 2009 chiếm 45%, thì năm 2010 đã chiếm 50% diện tích vụ lúa. Với kết quả này, Tiền Hải đang xúc tiến xây dựng thương hiệu "lúa, gạo Tiền Hải".

Từ năm 2000 đến nay, Tiền Hải đã coi "kinh tế biển là mũi nhọn". Bằng nhiều cách làm hợp lý và khoa học, Tiền Hải đã quy vùng nuôi thả; chuyển đổi hàng trăm ha đất cấy lúa năng suất thấp thành vùng nuôi tôm cá, đã đưa diện tích nuôi trồng lên gần 4.000 ha. Ngoài bãi triều ven bờ, Tiền Hải tạo ra vùng nuôi ngao xuất khẩu, với diện tích 1.000 ha. Từ làng chài Đông Long, Đông Hải đến các xã ven biển Nam Thịnh, Nam Phú... bà con ngư dân đều đầu tư phát triển các tàu thuyền đánh bắt, khai thác. Đến nay, các xã ven biển Tiền Hải đã phát triển gần 1.000 tàu thuyền, trong đó có 5-6 đội đánh bắt xa bờ. Huyện đã hoàn thành đầu tư một "bến cá" tạo điều kiện cho tàu thuyền của huyện và tàu thuyền các tỉnh vào neo đậu. Từ hướng đi đúng, kinh tế biển Tiền Hải liên tục phát triển. Năm 2005, tổng sản lượng thủy hải sản đạt 18.750 tấn, năm 2009 đạt 32.780 tấn. Trong đó sản lượng nuôi trồng tăng từ 13.000 tấn (2005) lên 23.400 tấn (2009).

Đến với Tiền Hải hôm nay, dễ dàng nhận thấy được ở nơi này là một vùng công nghiệp phát triển. Rất nhiều dự án đầu tư lớn đã được triển khai, mang lại sự thay đổi lớn trên mảnh đất trước kia chỉ là những cánh đồng lúa. Tại các xã Đông Lâm, Đông Cơ, nay đã trở thành khu công nghiệp khí đốt Tiền Hải, được quy hoạch và mở rộng gấp 2 lần, lên hơn 250 ha. Tại đây đã thu hút 43 doanh nghiệp vào đầu tư, với số vốn trên 1.500 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm đã đạt thương hiệu mạnh trong nước và quốc tế, như Gạch ốp lát Long Hầu, gạch ốp lát Mikado, Thủy tinh mỹ nghệ pha lê Việt Tiệp... Tiền Hải còn qui hoạch và xây dựng 2 cụm công nghiệp Trà Lý và Cửa Lân với diện tích gần 75 ha. Đến nay cả khu CN khí đốt và 2 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã có 128 doanh nghiệp đầu tư. Trong đó, có nhiều dự án đầu tư lớn đã đưa Tiền Hải trở thành vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh Thái Bình như: Tập đoàn Đại Cường 500 tỉ đồng, Công ty Minh Thanh 180 tỉ đồng, Công ty sứ Tây Sơn 130 tỉ đồng…

Để tạo đà cho thương mại - dịch vụ phát triển với tốc độ nhanh hơn, Tiền Hải đã quy hoạch và đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt, phát triển thị trấn Tiền Hải lên đô thị loại 4 thành thị xã, thành lập thêm 2 thị trấn mới. Ngay sau khi đường bộ dài 10 km nối bờ biển với đảo Cồn Vành hoàn thành, Tiền Hải đã tổ chức "Tuần lễ du lịch sinh thái đảo Cồn Vành" thu hút hàng chục ngàn khách từ các nơi về dự. Nhiều nhà đầu tư đã về đây tìm cơ hội làm ăn lâu dài. Tiền Hải cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu phố biển Đồng Châu để nối với Cồn Vành thành một cụm du lịch nghỉ dưỡng hoàn thiện.
Theo Bí thư Huyện ủy Phạm Văn Xuyên, năm 2010, mặc dù chưa kết thúc, nhưng dự kiến Tiền Hải có thể đạt kết quả cao về các lĩnh vực kinh tế, khoảng 2.865 tỷ đồng giá trị sản xuất, tăng gấp 2 lần so với 2005. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng CN - XD tăng từ 38% (2005) lên 49,1% (năm 2010); nông nghiệp từ 45%, giảm xuống còn 32%; thương mại dịch vụ từ 17% lên 18%. Đời sống nhân dân đang có sự cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân từ 6 triệu đồng (năm 2005) lên hiện nay trên 13,5 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo của huyện cũng giảm từ hơn 10% (năm 2005), nay còn 7%. Là huyện đầu tiên của tỉnh có 100% trạm y tế cấp xã đạt "chuẩn quốc gia" và có số trường đạt "chuẩn quốc gia" nhiều hơn bình quân toàn tỉnh.

Với những thành tựu đã đạt được bên cạnh những bước tiến vững chắc của mình, trong tương lai không xa Tiền Hải sẽ trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Thái Bình.
Thanh Phú
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN