Khó phát triển nếu manh mún
Theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2015, cả nước hiện có 27.281.040 ha đất nông nghiệp, chiếm 82,36% tổng diện tích đất tự nhiên cả nước. Trong đó, hộ gia đình, cá nhân đang quản lí, sử dụng 15.018.428 ha, chiếm 55,05% đất nông nghiệp cả nước; tổ chức kinh tế đang sử dụng 2.752.614 ha, chiếm 10,09%; các tổ chức, cá nhân nước ngoài đang sử dụng 45.221 ha, chiếm 0,14%. Thực tế cho thấy quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội nghị. |
Trong thời gian qua, chính sách pháp luật về đất đai đã cơ bản được hoàn thiện, phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn trong tích tụ ruộng đất, đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: “Hiện nay, 90% diện tích đất nông nghiệp đã được giao cho các hộ gia đình. Chúng ta không thể phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại nếu vẫn giữ nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều địa phương áp dụng thành công mô hình tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, cũng có vài nơi thực hiện tích tụ ruộng đất nhưng nhiều năm không sản xuất, đất đai bỏ hoang. Điều này đã xảy ra ở Hậu Giang. Chúng ta cần đánh thuế cao đối với việc bỏ hoang ruộng đất".
PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận trung ương cho biết, hiện nay có xu hướng một số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là đúng theo quy luật kinh tế, bản thân người nông dân tự bơi thì không bao giờ thoát khỏi kinh tế nhỏ. “Nếu nông nghiệp cứ quy mô nhỏ như này, kinh tế hộ như này thì chủ trương tích tụ ruộng đất là đúng, nghị quyết đại hội nói mấy nhiệm kỳ nhưng chúng ta làm lúng túng, ý đồ thì có nhưng làm thì lúng túng, hiệu quả thấp”, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo nói.
Phải đảm bảo lợi ích người dân
PGS.TS Trần Thị Minh Châu, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng của nông nghiệp. Nếu không tiếp cận được một quy mô đất hiệu quả, các doanh nghiệp và bản thân các trang trại, hộ gia đình không thể kinh doanh hiệu quả, nhưng có một quy mô lớn thì chưa chắc có hiệu quả. Nếu có thể tích tụ, tập trung ruộng đất được, thì đó chỉ là tiền đề cho nông nghiệp, không phải cái quyết định cho nông nghiệp hiệu quả.
Vì vậy, nếu đặt vấn đề nông nghiệp lên quy mô lớn hiện đại hóa nông nghiệp chỉ đặt vấn đề tích tụ, tập trung thì không phải vấn đề giải quyết căn bản. Không phải quy mô nhỏ là không áp dụng được cơ giới, giống mới, tiến bộ kỹ thuật, vấn đề là lợi ích của người nông dân.
Cần tích tụ ruộng đất để tiến hành sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn. Ảnh: Duy Khương/TTXVN |
“Khi đưa ra giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phải đứng trên lợi ích của người nông dân. Ở chỗ một gia đình người nông dân thì bố có thể làm thợ phụ hồ, có thể vào thành phố làm xe ôm nhưng người vợ và hai đưa con không thể vào thành phố, làm mấy sào ruộng ấy để làm sao cả gia đình còn có cơm ăn, rau ăn, và người bố không có lo lắng vợ con không bị chết đói và chấp nhận công việc trôi nổi ở thành phố để kiếm thêm tiền mua áo quần, đóng học cho con, đấy là vấn đề an ninh tối thiểu trong nông nghiệp. Tôi kiến nghị mở rộng cho hạn điền, giữ hạn điền để duy trì một nền nông nghiệp trực canh để bảo bảo người có tiền không mua đất để ẩn dấu tài sản”, bà Châu cho biết.
Ông Nguyễn Đình Khang, Bí Thư tỉnh ủy Hà Nam, một địa phương đi đầu trong tích tụ ruộng đất và đã có những hiệu quả nhất định cho biết, tích tụ ruộng đất là cần thiết. Kinh nghiệm trong quá trình tích tụ ruộng đất là phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Cùng với đó, lắng nghe nguyện vọng của người dân, tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu thực sự về đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp, tạo quỹ đất nông nghiệp, sẵn sàng chuyển các hộ sang vị trí khác để sản xuất thông qua quỹ công ích hoặc chuyển đổi cho các hộ có nhu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, tích tụ ruộng đất tập trung trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất phải gắn với tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp. Tránh hình thức và tránh phong trào. Tích tụ phải phù hợp từng vùng, khu vực mỗi địa phương, đặc điểm về đất đai, địa hình, thời tiết, văn hóa và truyền thống. Cần lấy doanh nghiệp, các hợp tác xã, chủ trang trại là động lực, vì họ giữ vốn, chuyển giao công nghệ, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…Tích tụ ruộng đất cũng phải đi kèm với đẩy mạnh công nghiệp và dịch vụ nhằm tạo nhiều việc làm mới, giảm lao động nông dân.
“Tích tụ phải đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư đặc biệt là lợi ích người dân tham gia tích tụ đất đai, chủ yếu là nông dân. Tích tụ ruộng đất lấy mục tiêu hiệu quả là cuối cùng, không thể tích tụ tập trung ruộng đất nếu không có hiệu quả và không làm bằng bất cứ giá nào”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.