Theo bài viết, những lĩnh vực chính mà các nhà đầu tư Bỉ đặc biệt quan tâm tại Việt Nam là các khu công nghiệp, thực phẩm và đồ uống, chế biến và sản xuất, dược phẩm và năng lượng tái tạo. Với sự gia tăng thương mại và đầu tư giữa hai nước, các nhà đầu tư Bỉ có cơ hội đầu tư vào các ngành công nghiệp của Việt Nam.
Trong thập kỷ qua, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Bỉ đã cải thiện đáng kể. Điều này có được là nhờ nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng và sự mở rộng, toàn cầu hóa của một số tập đoàn Bỉ.
Ông Riccardo Benussi, Giám đốc Phát triển kinh doanh châu Âu của Dezan Shira & Associates, cho rằng ngày càng nhiều công ty Bỉ đang muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là khi EVFTA có hiệu lực và giảm thuế quan.
Tính đến tháng 3 vừa qua, Bỉ có 78 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 1,1 tỷ USD, đứng thứ 23 trong số 131 nước đầu tư vào Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của Bỉ, với giá trị thương mại đạt khoảng 707,55 triệu USD vào năm 2020, tăng 6,7% so với năm 2019. Năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt 2,9 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2018, trong khi Việt Nam đã nhập khẩu hàng hóa của Bỉ trị giá 698 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2018.
Trong 7 tháng đầu năm ngoái, do đại dịch COVID-19, Việt Nam đã ghi nhận giá trị xuất khẩu trị giá 1,4 tỷ USD sang Bỉ, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2019. Mặt khác, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa trị giá 459 triệu USD từ Bỉ, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Bài viết khẳng định những con số trên chứng tỏ rằng trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ bị suy giảm, giá trị hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Bỉ vẫn tăng, đó là tín hiệu tích cực cho tương lai của thương mại song phương giữa hai nước.
Năm 2019, Bỉ là nước xuất khẩu lớn thứ 7 trong EU vào Việt Nam. Năm 2020, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Bỉ sang Việt Nam là hóa chất (46,2%) và máy móc thiết bị (13,7%). Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Bỉ là dệt may, giày dép, mũ đội đầu và kim loại cơ bản.
Khoản đầu tư lớn nhất của Bỉ vào Việt Nam là phát triển và vận hành cụm khu công nghiệp, được gọi là Khu công nghiệp Deep C (tên gọi ban đầu là Khu công nghiệp Đình Vũ - DVIZ). DVIZ được thành lập vào năm 1997 và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển khu vực Hải Phòng, miền Bắc Việt Nam thành một trung tâm công nghiệp năng động trong 23 năm qua.
Giám đốc Tiếp thị & Bán hàng Geert Dom của DEEP C châu Âu và Mỹ cho rằng DEEP C đã thu hút hơn 130 dự án với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Singapore. Trong tương lai, DEEP C vẫn đang thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Bỉ và các nhà đầu tư khác đến kinh doanh và thiết lập nhà máy, kho bãi tại khu công nghiệp này.
Trong khi đó, Giám đốc cấp cao của Văn phòng Dezan Shira tại Hà Nội, ông Filippo Bortoletti, lưu ý rằng ngoài các khu công nghiệp, các nhà đầu tư Bỉ cũng đóng vai trò quan trọng trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) của Việt Nam. Cụ thể là, các khoản đầu tư của Bỉ tập trung vào chuỗi cung ứng của ngành, cung cấp nguyên liệu cho các nhà hàng, nhà máy F&B và bán lẻ.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo của Việt Nam cũng chứng tỏ là lĩnh vực đầu tư tiềm năng cho các tập đoàn Bỉ. Những năm qua, hầu hết các khoản đầu tư của các nhà đầu tư Bỉ tại Việt Nam tập trung vào cảng biển, cơ sở hạ tầng, bất động sản, sản xuất và phát điện.
Không chỉ vậy, dược phẩm là lĩnh vực quan trọng cho thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu dược phẩm lớn nhất của Việt Nam là EU, Ấn Độ, Mỹ và Hàn Quốc, trong khi thị trường xuất khẩu của Việt Nam là khu vực ASEAN, Nhật Bản, Cyprus và Mỹ. Hầu hết các nhà đầu tư EU tìm nguồn nguyên liệu dược phẩm thô từ EU, vận chuyển đến Việt Nam, sản xuất và chế biến sản phẩm tại Việt Nam trước khi nhập khẩu trở lại EU.
Nhờ có EVFTA, khoảng 71% thuế quan nhập khẩu đã được xóa bỏ. Hơn nữa, các hàng rào phi thuế quan cũng mang lại cơ hội trong việc cải thiện quyền sở hữu trí tuệ và nhập khẩu dược phẩm trực tiếp. Điều này có nghĩa các nhà đầu tư Bỉ có thể thành lập một tổ chức để nhập khẩu các sản phẩm dược phẩm và bán cho các nhà phân phối hoặc bán buôn tại địa phương. Ngoài ra, các nhà đầu tư Bỉ cũng có đủ điều kiện để xây dựng nhà kho và thực hiện các nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng.
Dù Việt Nam mới tính đến năng lượng tái tạo vào năm 2017, song chỉ sau hai năm, Việt Nam đã vượt Malaysia và Thái Lan, trở thành nước có công suất lắp đặt các tấm pin Mặt Trời lớn nhất Đông Nam Á. Điều này chứng tỏ rằng công nghệ và đầu tư nước ngoài đang được khuyến khích tại Việt Nam và Việt Nam có đầy đủ các lợi thế để phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng trong lĩnh vực này. Năm 2020, Chính phủ Việt Nam thông báo đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất phát điện trong thập kỷ tới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã sửa đổi chính sách giá FiT (giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp hoặc bán cho lưới điện) và dự kiến sẽ nâng tỷ trọng sản xuất năng lượng tái tạo ở Việt Nam lên 20% để giảm sự phụ thuộc vào than để sản xuất điện. Do đó, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các dự án sản xuất năng lượng xanh và dự báo sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư từ EU, trong đó có Bỉ, tiếp tục thành lập và mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Bài viết kết luận Việt Nam đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế theo cấp số nhân trong thập kỷ qua, ký kết một số hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy thương mại trong khu vực. Sự gia tăng thương mại song phương giữa Bỉ và Việt Nam, cũng như nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng từ Bỉ cho thấy triển vọng tươi sáng cho quan hệ hai nước. Sự hiện diện lâu dài và đầu tư thành công của các công ty Bỉ tại Việt Nam là tín hiệu tốt và là bài học tham khảo cho các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.