Ảnh minh họa: TTXVN
Trong 3 năm gần nhất, kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là 296 nghìn tỷ đồng. Nhằm hỗ trợ hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử có thêm kênh thực hiện nghĩa vụ thuế, từ ngày 19/12/2024, cơ quan thuế đã vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế từ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Kết quả, tính đến ngày 19/3/2025, Cổng thương mại điện tử đã hỗ trợ hơn 55 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên Cổng thương mại điện tử với số nộp ngân sách nhà nước là gần 410 tỷ đồng. Trong đó, 5 tỉnh, thành phố có số tiền nộp thuế trực tiếp trên cổng cao nhất lần lượt là: Hà Nội 261 tỷ đồng; TP. Hồ Chí Minh 71 tỷ đồng; Nam Định 7,1 tỷ đồng; Bắc Ninh 5,4 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng cho biết: Lũy kế từ khi triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đến nay đã có 135 nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế với số thuế là gần 23 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, triển khai quy định tại Luật số 48/2024/QH14 Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung (Luật số 56/2024/QH14 sửa nhiều Luật), để hỗ trợ các tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử trong và ngoài nước thuộc đối tượng khấu trừ, nộp thuế thay thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay theo quy định của pháp luật thuế. Hiện nay, Cục Thuế đang triển khai xây dựng tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ đối với hoạt động thương mại điện tử.
Bộ Tài chính cũng cho hay, Cục Thuế đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng tiếp nhận người nộp thuế là các tổ chức quản lý nền tảng thương mại, nền tảng số thuộc quản lý trực tiếp của Cục Thuế (Chi cục Thuế thương mại điện tử), cũng như các mẫu biểu hồ sơ khai thuế quy định tại dự thảo Nghị định quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số để người nộp thuế thuộc diện điều chỉnh của Nghị định có thể thực hiện ngay khi có hiệu lực.