Từ ngày 25/11, Bộ Tài chính đã công bố kết quả kiểm tra kê khai lại giá cước vận tải tại các địa phương. Trong khi nhiều doanh nghiệp vận tải đã công bố giảm giá cước,thì nhiều người dân trực tiếp tham gia vận tải phản ánh, các nhà xe vẫn giữ nguyên giá cước cũ.Trống đánh xuôi, kèn thổi ngượcTheo kết quả kiểm tra tại Hà Nội của đoàn công tác liên ngành Tài chính - Giao thông vận tải (GTVT), các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 2 - 10%; kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước từ 5,8 - 10% và vận tải hàng hóa kê khai giảm giá từ 3,4 - 3,9%. Còn tại TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp taxi đã kê khai giảm giá cước từ 2,7 - 9% (tùy cự ly vận chuyển), vận tải hành khách tuyến cố định giảm cước từ 2 - 11,3%. Tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp taxi cũng đã kê khai giảm từ 3 - 32% cước, vận tải cố định từ Đà Nẵng đi các địa phương, vận tải hàng hóa đã kê khai giảm từ 3,2 - 6,7% so với giá hiện nay…
Hãng taxi Mai Linh công bố giảm giá cước và niêm yết trên cửa xe. |
Trao đổi với lãnh đạo Công ty Cổ phần quản lý bến xe Hà Nội, đến ngày 27/11, các doanh nghiệp vận tải hành khách đăng ký hoạt động với công ty đều đã thông báo giảm giá cước theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, với mức giảm từ 4 - 10% (tương đương mức giảm từ 5.000 -10.000 đồng tùy mỗi chặng). Bến xe Mỹ Đình có 4 doanh nghiệp thông báo giảm giá cước, từ 4 - 9% (tương đương mức giảm từ 3.000- 10.000 đồng). Bến xe Gia Lâm, có 2 doanh nghiệp thông báo giảm giá cước với mức giảm từ 6 - 10% (tương đương từ 3.000 -10.000 đồng)…
Mặc dù vậy, nhưng theo ghi nhận của phóng viên tại hai bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, đa số hành khách đều phản ánh là giá cước vận tải trên những tuyến họ đi vẫn chưa giảm. Bác Nguyễn Đình Thành (xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), hành khách tại bến xe Mỹ Đình cho biết: “Tôi vẫn phải mua vé giá 55.000 đồng chặng Hải Dương - Hà Nội như mấy ngày trước”. Ông Lê Đình Hào ở thành phố Việt Trì khẳng định: “Tháng nào tôi cũng đi vài ba lần tuyến Việt Trì - Mỹ Đình, với giá vé 50.000 đồng/lượt. Hôm nay (ngày 27/11), tôi đi, nhưng nhà xe vẫn thu đủ 50.000 đồng/lượt”…
Tại Bến xe Giáp Bát, phóng viên báo Tin Tức cũng ghi nhận nhiều ý kiến hành khách phản ánh là giá cước vận tải chưa hề giảm. Các nhà xe vẫn thu giá vé tuyến Hà Nội - Lạng Sơn là 100.000 đồng/lượt như tuần trước. Tuyến Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) - Giáp Bát (Hà Nội ) vẫn thu 90.000 đồng/lượt, không thay đổi so với tháng trước…
Trả giá bằng thương hiệuTrao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết: Giá xăng giảm giá, các doanh nghiệp vận tải sẽ giảm theo. Phần lớn doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp này giảm, mà doanh nghiệp khác giữ nguyên giá sẽ bị hành khách rời bỏ. Vì thế, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ giảm giá sau đợt giá xăng giảm lần thứ 10 liên tiếp này. Một số doanh nghiệp chây ỳ, cố tình không giảm giá, đang vi phạm nghiêm trọng đạo đức kinh doanh. Bản thân Hiệp hội không thể chỉ đạo các doanh nghiệp này giảm, ngay cả các cơ quan quản lý cũng chưa có chế tài xử phạt các doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng: Giá nhiên liệu thay đổi liên tục, nên giá cước vận tải cũng không thể theo kịp được. Mỗi khi doanh nghiệp muốn giảm giá lại sợ giá xăng tăng ngay sau đó. Trong khi đó, thủ tục xin tăng giá rất nhiêu khê và khó khăn. Đặc biệt, mỗi lần điều chỉnh giá, các doanh nghiệp phải kê khai, công bố giá và in lại toàn bộ vé. Các doanh nghiệp taxi còn phải đặt lại hệ thống đồng hồ tính cước… Do đó, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam mong muốn nhà nước bình ổn giá nhiên liệu từ 6 tháng đến 1 năm và công khai với người dân để giá cước vận tải ổn định hơn.
Biến động lớn về giảm giá xăng dầu trong thời gian qua khiến các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải loay hoay tìm giải pháp quản lý. Có hai vấn đề được dư luận đặt ra là khi giá xăng dầu giảm thì cước vận tải giảm thế nào và nếu doanh nghiệp vận tải không đồng ý giảm cước thì sẽ bị xử lý ra sao?... Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cũng chỉ biết chia sẻ: “Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp cùng Bộ Tài chính để thúc đẩy, đôn đốc các doanh nghiệp đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện giảm giá”. Còn bà Lê Thị Lai, Trưởng phòng Quản lý giá (Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính) chỉ hứa: “Sẽ kiểm tra, đôn đốc giảm giá để đảm bảo quyền lợi ba bên doanh nghiệp - Nhà nước - người tiêu dùng”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng thư ký Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định: Các cơ quan quản lý phải tính toán xem xăng dầu chiếm bao nhiêu % giá cước, tiền lương công nhân, chi phí khác... Từ đó, nếu thấy chi phí đầu vào giảm mà giá dịch vụ đầu ra vẫn cao thì đoàn kiểm tra có thể căn cứ vào Luật Giá để đề nghị Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải nơi doanh nghiệp kê khai giá chỉ đạo, yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh hoặc xử phạt nghiêm theo luật.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Việc kinh doanh vận tải được vận hành theo kinh tế thị trường, vì thế cước vận tải có tăng phải có giảm theo sự chuyển động của thị trường xăng dầu. Việc doanh nghiệp cố tình trì hoãn giảm giá để kiếm lời có thể xảy ra, vì thế các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát. Những trường hợp doanh nghiệp kinh doanh “chộp giật” sớm muộn sẽ phải trả giá bằng chính uy tín và thương hiệu của mình.
Tiến Hiếu