Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, sự kiện trên - được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom và phổ biến trên fanpage Facebook của Cục Xúc tiến thương mại - thu hút sự tham dự của 36 doanh nghiệp Việt Nam và 25 doanh nghiệp Algeria hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.
Đây là hoạt động nằm trong Chương trình Cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2022, nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường Algeria.
Tại hội nghị, đại diện phía Việt Nam và Algeria đã giới thiệu về tình hình thị trường, quy định xuất nhập khẩu và quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Ngoài phần hội nghị toàn thể, trong ngày kế tiếp 14/7, ban tổ chức còn sắp xếp các phiên giao thương B2B giữa doanh nghiệp Việt Nam - Algeria để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Trong ngày đầu diễn ra hội nghị, một số doanh nghiệp 2 nước đã bày tỏ mong muốn tìm hiểu thông tin, tìm kiếm đối tác nhập khẩu một số sản phẩm nông-thủy sản của Việt Nam như chuối, trà, cà phê, filet cá basa; xuất khẩu sản phẩm đặc trưng của Algeria như chà là hay hợp tác phát triển dự án trồng chuối ngay tại Algeria...
Thị trường lớn, nhiều tiềm năng
Algeria là một quốc gia có diện tích lớn nhất châu Phi và nằm ở khu vực Bắc Phi. Algeria là nền kinh tế lớn thứ 4 châu Phi, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 đạt 145,2 tỷ USD, dự trữ ngoại hối năm 2021 vào khoảng hơn 44 tỷ USD, tương đương 15 tháng nhập khẩu. Dân số Algeria tương đối đông, hơn 45 triệu người, GDP bình quân đầu người là 3.360 USD với sức mua khá lớn.
Những năm gần đây, Algeria chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, song đây vẫn là thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam. Thị trường này có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của nước ta như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản nước ngọt…, những sản phẩm mà nước Algeria không sản xuất được.
Mặc dù là một thị trường đầy tiềm năng và là cửa ngõ quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư và hợp tác thương mại với các nước châu Phi, nhưng thương mại song phương vẫn còn ở mức khiêm tốn.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, do tác động của đại dịch COVID-19 và chính sách hạn chế nhập khẩu của Algeria, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này trong năm 2021 chỉ đạt 153 triệu USD, với các mặt hàng chính là cà phê nhân xanh, gạo, hạt điều nhân, bánh kẹo, sản phẩm từ ngũ cốc, hạt tiêu, quế, filet cá tra, đồ gỗ… 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt 65,2 triệu USD, tăng 17,6% với cùng kỳ năm 2021.
Trong cơ cấu xuất khẩu sang Algeria, cà phê chiếm 65% tổng kim ngạch. Algeria là thị trường còn nhiều dư địa cho cà phê Việt Nam và trong tương lai gần, đây cũng là mặt hàng xuất khẩu số 1 vào thị trường này. Tiếp đến là mặt hàng gạo, Algeria mỗi năm nhập khẩu 100.000 tấn gạo, chủ yếu là gạo 5% tấm, gạo đồ, phục vụ cho người châu Á sinh sống và làm việc ở quốc gia Bắc Phi này. Gạo là mặt hàng được trợ giá nên thuế nhập khẩu khá thấp so với mặt bằng chung, chỉ ở mức 16%.
Ngoài ra, các loại gia vị như hạt tiêu, quế cũng là những loại nông sản có nhu cầu cao tại Algeria, cùng với hạt điều nhân. Thủy hải sản cũng nằm trong tốp 5 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam sang Algeria.
Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu
Mặc dù tiềm năng là rất lớn, nhưng công tác phát triển thị trường Algeria vẫn có một số khó khăn nhất định. Ngoài khoảng cách xa về mặt địa lý, rào cản về mặt ngôn ngữ giao tiếp (các doanh nghiệp Algeria chủ yếu sử dụng tiếng Pháp và tiếng Arab) hay những thói quen về phong tục tập quán, thị hiếu thị trường, văn hóa kinh doanh... cũng là những trở ngại cần phải vượt qua.
Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria Hoàng Đức Nhuận, khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Algeria, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ về thị trường, cũng như các chính sách về thuế quan, luật lao động, phương thức thanh toán, tranh chấp thương mại, không trả tiền và thu hồi nợ…
Để giải quyết những khó khăn kể trên, Thương vụ Việt Nam tại Algeria đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hợp tác song phương. Ở cấp độ kinh tế vĩ mô, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thành lập Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam - Algeria, kiện toàn và nâng cao vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao, các bộ, ngành, các tổ chức xúc tiến thương mại và ủy ban hợp tác giữa 2 nước để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về tiềm năng, cơ hội hợp tác thông qua việc tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội chợ, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp 2 nước tìm kiếm cơ hội hợp tác và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong kinh doanh.
Ở cấp độ doanh nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Algeria cũng đề xuất một số giải pháp, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường liên hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại giữa 2 nước và quan trọng nhất là nên sang trực tiếp địa bàn để thiết lập các quan hệ và giao dịch đầu tiên. Đáp ứng được những đòi hỏi đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể tăng cường hợp tác thương mại với Algeria nói riêng và thị trường châu Phi rộng lớn nói chung.