Thúc đẩy hợp tác mua bán than giữa Việt Nam và Lào

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ hai nước về tăng cường thúc đẩy hợp tác phát triển trong lĩnh vực năng lượng, cụ thể là nhập khẩu điện và than từ Lào, ngày 9/12, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy hợp tác mua bán than giữa Việt Nam và Lào.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị.

Trong thời gian vừa qua Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo cũng như các cuộc họp với nội dung liên quan đến vấn đề bảo đảm cung ứng điện. Ngày 30/11, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chính thức công bố kế hoạch cung ứng điện và biểu đồ cung cấp than cho việc phát điện năm 2024. So với các năm trước đã có sự chủ động sớm để ứng phó với những tình huống, sự cố phát sinh bất ngờ. Trong hiệp định liên Chính phủ Việt Nam – Lào có đề cập đến việc hợp tác phát triển năng lượng và khoáng sản, hội nghị cũng là một trong những hoạt động thực hiện chỉ đạo của Chính phủ hai nước về tăng cường thúc đẩy hợp tác phát triển trong lĩnh vực năng lượng, cụ thể là nhập khẩu điện và than từ Lào.

Tại hội nghị, đại diện Lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hai nước đã báo cáo về tình hình cung ứng điện và nhập khẩu than trong năm 2023; các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp, kiến nghị đối với Bộ Công Thương trong các hoạt động nhập khẩu điện và than từ Lào. Các kiến nghị đã được lãnh đạo Bộ lắng nghe, giải đáp; đồng thời các Cục, Vụ chức năng của Bộ đã đề xuất những giải pháp cụ thể, thực chất để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ các doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo thỏa thuận cấp cao giữa hai nước Việt Nam – Lào, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực than. Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ hợp tác năng lượng giữa hai nước. Việc nhập khẩu điện, than từ Lào không chỉ giúp phát triển kinh tế giữa hai nước, mà còn thực hiện mục tiêu kép về an ninh quốc phòng và cung ứng năng lượng cho nền kinh tế. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tham gia Hội nghị thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao gồm:

Đối với lĩnh vực cung ứng điện, Bộ trưởng đề nghị, căn cứ vào Kế hoạch cung ứng điện 2023, Cục điều tiết điện lực cùng EVN xây dựng kế hoạch cung ứng điện hàng quý, riêng EVN sẽ báo cáo Kế hoạch hàng tháng và điều chỉnh vào tuần thứ 4 của mỗi tháng để báo cáo Lãnh đạo Bộ. Đặc biệt, với những tháng cao điểm 5,6,7 Cục Điều tiết điện lực chủ trì cùng EVN xây dựng Kế hoạch và trình lãnh đạo Bộ trong tháng 12/2023, rà soát, điều chỉnh trong tháng 3/2023.

Cục Điều tiết điện lực cũng cần khẩn trương hoàn thiện thông tư hướng dẫn EVN xây dựng khung giá các loại hình điện năng và hoàn thành trong tháng 1/2024. Đồng thời, phối hợp cùng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, EVN khẩn trương trình Chính phủ về xây dựng cơ chế giá điện nhập khẩu từ Lào và hoàn thành trong quý I/2024; xây dựng cơ chế đặc thù nhằm gỡ khó cho các nhà máy điện khí trong năm 2024.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu, PVN, EVN, TKV và các chủ đầu tư nhà máy, dự án nguồn và lưới điện tập trung bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa các tổ máy, công trình, đường dây đảm bảo sẵn sàng hoạt động tối đa công suất thiết kế, tuyệt đối ko để gián đoạn nguồn cung. Đẩy nhanh tiến độ thi công, triển khai các dự án đã đang và sẽ thực hiện trong năm 2023 và 2024 nhất là các dự án trọng điểm.

EVN và Tổng công ty truyền tải điện tập trung cao độ triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3 theo đúng tiến độ đã đề ra. Đồng thời, EVN căn cứ nhu cầu, khả năng nhập khẩu điện từ Lào khẩn trương nghiên cứu, đề xuất trong tháng 12/2023 về việc triển khai đường dây truyền tải mới từ Lào về Việt Nam để kêu gọi đầu tư nhằm nâng công suất nhập khẩu điện từ Lào. Đặc biệt, EVN cần chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ trong việc xây dựng và thực hiện tốt công tác truyền thông về hoạt động điện lực nói chung, hoạt động của EVN nói riêng và việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn xã hội.

Đối với công tác cung ứng than, khí cho điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, căn cứ biểu đồ cung cấp than năm 2024, vụ Dầu khí và Than chủ trì cùng EVN, TKV, PVN, Tổng công ty Đông Bắc, PvGas và các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh kế hoạch cung ứng than theo từng quý và báo cáo vào tháng cuối của quý, các doanh nghiệp cần xây dựng biểu đồ cung cấp than, dự trữ than hàng tháng gửi về các đơn vị chuyên môn của Bộ để xem xét, báo cáo Lãnh đạo Bộ. Các nhà máy điện than cần nhập và dự trữ than, khí để phục vụ cho phát điện trong mọi tình huống theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương.

Bộ trưởng yêu cầu TKV, Tổng công ty Đông Bắc cần tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, pháp lý; cơ cấu lại tài chính doanh nghiệp; đổi mới công nghệ để tăng tối đa năng lực khai thác, sản xuất, chế biến than trong nước phục vụ cho phát điện. Đồng thời, khẩn trương đàm phán để ký hợp đồng nhập khẩu than, cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện, đảm bảo thực hiện nghiêm các hợp đồng đã ký; Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan đề xuất cơ chế đặc thù cho nhập khẩu than, nhất là nhập khẩu than từ Lào theo Hiệp định Liên Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc các cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, để thực hiện chủ trương nhập khẩu than từ Lào theo thỏa thuận cấp cao, Bộ trưởng giao TKV và Tổng công ty Đông Bắc đề xuất cơ chế nhập (giá mua và bán) than từ Lào về Việt Nam; các giải pháp nâng cao năng lực tiếp nhận than về Việt Nam; ký hợp đồng nguyên tắc với đối tác Lào cụ thể về sản lượng và sẽ thực hiện ngay sau khi Hiệp định được thông qua.

Về phía Lào, Bộ trưởng đề nghị Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, đại diện đại sứ quán Lào tại Việt Nam và các doanh nghiệp cung ứng than của Lào cần sớm báo cáo, đề xuất với Chính phủ Lào giảm thuế xuất khẩu than và các loại phí liên quan để giảm giá thành khi xuất sang Việt Nam; đầu tư, nâng cấp hoặc hỗ trợ doanh nghiệp hệ thống hạ tầng, kho bãi, vận chuyển than về Việt Nam.

Sau khi kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với Vụ Dầu khí và Than, Cục Điều tiết điện lực, các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị liên quan khẩn trương đề xuất với các cấp có thẩm quyền về cơ chế đặc thù cho các dự án điện khí. Ngoài ra, các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương như Thanh tra Bộ, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và các Cục, Vụ có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và kết luận sau Hội nghị này để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời những vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

 

Thu Trang/Báo Tin tức
Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch cung cấp điện năm 2024
Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch cung cấp điện năm 2024

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 3110/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 để các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN