Cùng với phát triển trồng trọt, các tỉnh cần chú trọng đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, gia cầm; hình thành các vùng chăn nuôi an toàn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao. Từng bước chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương. Phát triển nuôi thủy sản ở các hồ thủy lợi, thủy điện và trên các vùng nước ven sông.
Chuyển biến tích cực
Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và gần 4 năm Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã có chuyển biến tích cực. Nổi bật, cơ cấu cây trồng được chuyển dịch, phát triển theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Giai đoạn 2017-2020, vùng đã chuyển đổi khoảng 54.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây hàng năm, lâu năm cho giá trị kinh tế cao hơn.
Với những lợi thế về diện tích đất nông nghiệp lớn, điều kiện tự nhiên đa dạng, các tỉnh đã phát triển các vùng lúa đặc sản, cây ăn quả và một số loại cây công nghiệp, cây dược liệu, như: cam Cao Phong (Hòa Bình), xoài Yên Châu (Sơn La), gạo tám Mường Thanh (Điện Biên), gạo Séng cù (Lào Cai), nếp Tú Lệ và Nàng Hương (Yên Bái)...
Ngành chăn nuôi cũng đạt được nhiều kết quả tích cực với tổng đàn tăng như: đàn trâu 1,33 triệu con (chiếm 55,7% cả nước); đàn bò 1,08 triệu con (chiếm 17,8% cả nước); đàn lợn khoảng 5,1 triệu con; đàn gia cầm đạt 120,1 triệu con. So với cả nước, nuôi trồng thủy sản của vùng chỉ chiếm 4,3% diện tích và 3,1% sản lượng. Nhưng tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản của vùng giai đoạn 2013 - 2019 đạt bình quân 7,54%/năm và là vùng có mức tăng cao nhất so với các vùng khác trên cả nước.
Cùng với đó, với diện tích 5,27 triệu ha rừng (chiếm 36% diện tích rừng cả nước), được xác định là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng. Do đó, việc bảo vệ, phát triển rừng của vùng có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng, giá trị rừng trồng được cải thiện; tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 50,4% lên 53,5% năm 2019; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tăng 1,73 lần, đáp ứng khoảng 75 - 80% nguyên liệu phục vụ cho chế biến, xuất khẩu. Chi trả dịch vụ môi trường rừng trong vùng phát huy hiệu quả, chuyển hướng tiếp cận hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước sang tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội cho phát triển ngành.
Mặt khác, trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, đến hết tháng 8/2020, vùng có 798/2.280 xã (35%) đạt chuẩn nông thôn mới; 16 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính tháng 8/2020, các tỉnh đã đánh giá, phân hạng và công nhận 469 sản phẩm OCOP.
Là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn thứ hai cả nước, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông chia sẻ, những năm qua, Sơn La đã thực hiện tốt việc gắn phát triển sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao với giải quyết những vấn đề xã hội, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
Tỉnh chuyển mạnh từ kinh tế cá thể nhỏ lẻ, hiệu quả thấp sang kinh tế tập thể; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 583 hợp tác xã sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Diện tích cây ăn quả và cây Sơn tra ước đến hết năm 2020, toàn tỉnh đạt 80.515 ha.
Cơ cấu lại nông nghiệp
Hội nghị đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của vùng đạt trung bình khoảng 3,5%/năm giai đoạn 2021 - 2025; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt khoảng 20%; tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng đạt khoảng 54,2%; có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 30% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%...
Để đạt các mục tiêu trên, hội nghị đã đề ra nhiều giải pháp chủ yếu thực hiện. Đó là phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cần triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản. Đầu tư phát triển sản xuất, chế biến những ngành hàng nông lâm thủy sản còn nhiều dư địa về thị trường, có lợi thế và những ngành hàng tỷ lệ chế biến còn thấp như các loại rau quả, thịt, trứng…
Bên cạnh đó, xây dựng các vùng chuyên canh có quy mô sản xuất hàng hóa lớn để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cơ giới hóa, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, gắn vùng nguyên liệu với các cụm công nghiệp, dịch vụ khép kín từ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ.
Vùng tăng cường sản xuất theo hình thức hợp tác liên kết, quy mô lớn theo chuỗi giá trị giữa nông dân, doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác. Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng để không những mở rộng đầu ra của sản phẩm, mà còn bảo tồn được các giá trị văn hóa gốc của nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù.
Các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với sản phẩm chủ lực của vùng đến các nhà phân phối, hệ thống siêu thị và người tiêu dùng; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là phát triển các thị trường tiềm năng. Toàn vùng tăng cường việc ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến...
Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, các tỉnh trong vùng có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn và có khí hậu nhiệt đới gió mùa, cùng với sự phân hóa của độ cao địa hình nên thích hợp phát triển các loại cây ăn quả. Do đó cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm; tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận (an toàn, GAP, hữu cơ…) và đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch.
Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, thời gian tới, việc định hướng phát triển rừng gắn với chế biến lâm sản đối với các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc nói riêng và các tỉnh trong cả nước nói chung cần tiếp tục đẩy mạnh việc giao đất lâm nghiệp cho dân, nhất là đồng bào dân tộc; tập trung phát triển lâm nghiệp theo chuỗi; liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với tổ chức, người dân trồng rừng.
Đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến lâm sản; phát triển chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm thông qua việc chuyển dần cơ cấu sản xuất từ xuất khẩu dăm gỗ, gỗ bóc sang chế biến các loại ván nhân tạo và gỗ ghép thanh để làm đầu vào cho công nghiệp chế biến các sản phẩn nội thất trong nhà tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các địa phương triển khai các phương thức, biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng để đẩy mạnh thâm canh rừng trồng sản xuất; tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng thâm canh gỗ lớn, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn; thực hiện nông lâm kết hợp; canh tác bền vững trên đất dốc...