Thủ tục vay vốn vẫn là rào cản với doanh nghiệp

Thời gian qua, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Dư nợ cho vay của các DNNVV đã tăng hơn các năm trước. Tuy nhiên, thủ tục vay vốn vẫn là rào cản với khối DN này. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với TS Cao Sỹ Kiêm (ảnh), nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV xung quanh vấn đề này.


Để hỗ trợ khối DNNVV (chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động), cơ quan quản lý đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng kết quả thu về không được như kỳ vọng. Ông có ý kiến gì về điều này?

Tính đến tháng 9/2015, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống các Tổ chức tín dụng (TCTD) đối với DNNVV là 977.088 tỷ đồng, tăng 4,11% so với cuối năm 2014. Tuy nhiên, bên cạnh những cải thiện đáng ghi nhận thì vẫn còn có những tồn tại khiến chỉ có khoảng 30% DNNVV đáp ứng đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng, 70% còn lại vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Ví dụ về lãi suất, NHNN đã quy định trần lãi suất cho vay bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên (trong đó có DNNVV), thấp hơn khoảng 1 - 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Theo đó, lãi suất tối đa được điều chỉnh giảm xuống 7%/năm và lãi suất cho vay hiện chỉ bằng khoảng 40% nửa cuối năm 2011. Mặt bằng lãi suất cho vay với doanh nghiệp tại các ngân hàng hiện dao động từ 6 - 9%/năm (6%/năm áp dụng cho khách hàng VIP). Nhưng lãi suất cho vay bình quân 9% đối với DNNVV vẫn còn cao so với tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp.

Hiện nay theo tôi, cần phải tiếp tục hạ lãi suất cho vay theo mục tiêu của Chính phủ đề ra từ đầu năm nay. Hiện, chênh lệch giữa lãi suất bình quân tiền gửi và tiền vay còn cao, nên giảm để tiết kiệm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Vậy theo ông, còn những nút thắt chính nào khiến việc tiếp cận nguồn vốn của DNNVV vẫn khó khăn?

Khó khăn mà khối DNNVV đang gặp phải là không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vay vốn. Hệ thống báo cáo tài chính của nhiều DNNVV chưa được kiểm toán nên thiếu tin cậy khiến tổ chức tín dụng (TCTD) thiếu thông tin khi phân tích, đánh giá và thẩm định nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Tiếp theo ngân hàng cũng thường e ngại DNNVV do những hạn chế trong quản trị của doanh nghiệp khi xây dựng các chiến lược kinh doanh, làm ăn thiếu bài bản, năng lực sản xuất của doanh nghiệp còn hạn chế khả năng tiếp cận, thị trường tiêu thụ hàng hóa chưa ổn định.

Ông Lê Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Trí Cường: 

Dù hoạt động trong lĩnh vực được ưu tiên nhưng do chưa có tên tuổi nên phần lớn DNNVV mới thành lập hầu như rất khó tiếp cận vốn tín dụng. Hầu hết các DNNVV đều phải đi thuê nhà xưởng với mức giá tăng đều qua các năm. Công ty tôi sau 10 năm thành lập, tuy đã được tiếp cận vốn tốt hơn nhưng lãi suất còn cao. Trong khi đó, khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết thì các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, nếu không được tiếp cận vốn tín dụng ở mức 4 - 5% thì nhiều doanh nghiệp Việt khó có thể cạnh tranh sòng phẳng.

Nền kinh tế Việt Nam cũng vừa trải qua một thời kỳ lạm phát, rồi giảm phát thất thường nên nhiều doanh nghiệp yếu kém đã phải rời bỏ thị trường khá nhiều. Dữ liệu cập nhập mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số doanh nghiệp giải thể trong 9 tháng năm nay là 6.962 doanh nghiệp, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2014 nhưng vẫn ở mức cao (trong đó phần lớn là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chiếm 93,5%). Điều này khiến nhiều ngân hàng càng phải thắt chặt hơn khi cho doanh nghiệp vay vì sợ mất vốn.

Nếu như lãi suất cho vay không còn là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp kêu than thì quy trình thẩm định dự án, thủ tục và điều kiện cho vay đến nay vẫn còn nhiều ách tắc. Hiện nay, các TCTD gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản thế chấp, thu hồi nợ vay do thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý kéo dài, cách thức xử lý chậm trễ của các cơ quan có thẩm quyền.

Một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: Chính sách bảo lãnh cho vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương hay Quỹ hỗ trợ, phát triển DNNVV hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Chủ trương, các chính sách hỗ trợ này là đúng nhưng việc cụ thể hóa chậm, không còn phù hợp, trong khi đó năng lực cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, kể cả trong khâu tuyên truyền. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cấp liên quan (tài chính, ngân hàng, tư pháp) chưa đồng đều, chặt chẽ. Đơn cử việc bảo lãnh cho doanh nghiệp vay: Khi ngân hàng đầu tư bảo lãnh cho doanh nghiệp đó vay rồi nhưng tới vay vốn tại ngân hàng thương mại, doanh nghiệp vẫn bị thẩm định lại hồ sơ khiến tốn kém thời gian, chi phí mà cũng không được việc do không đồng nhất giữa các ngân hàng.

Để tháo gỡ vấn đề này trong năm 2016, theo ông phải có những giải pháp gì?

Tôi cho rằng, cần phải sửa đổi, hoàn thiện cơ chế bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ vốn của Quỹ Phát triển DNNVV cho phù hợp với thực tiễn; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn nhưng không trái với quy định của pháp luật; tạo điều kiện để xem xét cho vay đối với doanh nghiệp chất lượng tốt mà không cần dựa hoàn toàn vào tài sản đảm bảo.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần phải phối hợp hiệu quả hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí; chính sách hỗ trợ về lãi suất, ưu đãi về thuế, đất đai. Tuy nhiên, bản thân các DNNVV phải đổi mới cơ chế quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

VPBank đang triển khai các hoạt động tín dụng không cần dùng tài sản đảm bảo, dựa hoàn toàn vào kết quả thẩm định phương án, kết quả kinh doanh, dòng tiền doanh nghiệp. Các mức lãi suất phổ biến là 8 - 9% cho vay ngắn hạn và 10% cho vay dài hạn là mức chấp nhận được. Ngoài ra, ngân hàng còn có các gói chuyên biệt với lãi suất thấp hơn nữa, ở mức 6 - 7% hay các gói cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay USD với mức lãi suất thấp hơn thị trường 1 - 2%.

Theo ông Doãn Anh Tuấn, Giám đốc phát triển kinh doanh DNNVV - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)



Minh Phương
Điều kiện vay vốn ưu đãi mua, thuê nhà ở xã hội
Điều kiện vay vốn ưu đãi mua, thuê nhà ở xã hội

Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội vừa được Chính phủ ban hành, trong đó quy định điều kiện vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN