Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ, ngành nông nghiệp vừa trải qua một năm hạn, mặn lịch sử, gay gắt hơn cả năm 2016, đồng thời dịch bệnh COVID-19 cũng đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đáng mừng là ngành nông nghiệp vẫn trụ vững, trở thành bệ đỡ cho nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đề nghị trong thời gian tới, các địa phương phải quyết tâm và cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thắng lợi các vụ lúa, hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao đạt 43 triệu tấn lúa trong năm 2020, đảm bảo an ninh lương thực và nguồn cung gạo cho xuất khẩu.
Đặc biệt, trong điều kiện thuận lợi về thị trường như hiện nay, cần phải cố gắng thực hiện cú hích để kết nối doanh nghiệp với bà con nông dân để nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, sản xuất tập trung vào các giống lúa chất lượng cao, đặc sản, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, trong vụ lúa Hè Thu 2020, toàn vùng Nam bộ gieo trồng hơn 1,6 triệu ha, giảm 29 nghìn ha, năng suất ước đạt 56,41 tạ/ha, tăng 1,25 tạ/ha; sản lượng ước đạt 9,181 triệu tấn, tăng 44 nghìn tấn so với vụ Hè Thu 2019; trong đó, chỉ riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long đã gieo trồng với diện tích trên 1,5 triệu ha.
Tính đến ngày 15/5, các tỉnh thành đã xuống giống đạt hơn 1 triệu ha, đạt khoảng 62,21% kế hoạch và dự kiến kết thúc vào khoảng tuần đầu tháng 6 với 120 nghìn ha (giảm 93.000 ha) so cùng kỳ để chuẩn bị cho việc bố trí sản xuất vụ Thu Đông 2020. Hiện tại, các diện tích xuống giống sớm đã thu hoạch hơn 53 nghìn ha, chiếm 5,5% chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long...
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin, vụ Hè Thu của tỉnh đã cơ bản hoàn tất giai đoạn xuống giống với 187,581 ha, thu hoạch với 43.441 ha, sản lượng 262 nghìn tấn, năng suất bình quân 6,03 tấn/ha. Tính đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt trên 348 triệu USD; trong đó, mặt hàng gạo tăng 20% về sản lượng và 12% về giá trị kim ngạch.
Ông Hùng cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ cho các tỉnh, thành Nam Bộ về chính sách bảo vệ đất trồng lúa, chuyển đổi đất trồng lúa, dự báo sớm và chia sẻ thông tin về thị trường một cách nhanh nhất và sớm thống nhất quy trình mã vùng trồng… Điều này nhằm phát triển sản xuất trồng trọt ngày càng mạnh mẽ, gia tăng giá trị và bền vững hơn.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh Tiền Giang, Long An, Hậu Giang cũng đưa ra ý kiến về việc cần tính lại cơ cấu cây trồng từng vùng, cơ cấu lại mùa vụ, đầu tư các giải pháp công trình bảo vệ các vùng sản xuất, nhất là những nơi đang đứng trước nguy cơ ảnh hưởng do hạn mặn.
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, trong năm nay ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đồng bằng Nam bộ. Đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền ở mức báo động 1-2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,2-0,4m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm nay vào nửa cuối tháng 9.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định, theo tình hình tiêu thụ lúa gạo, cùng dự báo lũ thấp, thời gian giãn cách 2 vụ tương đối dài nên Cục Trồng trọt đề xuất 2 phương án sản xuất lúa Thu – Đông: Phương án 1, ước gieo sạ 750 nghìn ha, tăng 25,8 nghìn ha so với cùng kỳ 2019. Phương án 2, ước gieo sạ 800 nghìn ha, tăng 75,8 nghìn ha so với cùng kỳ 2019. Theo đó, phương án 2 được đánh giá là phương án tối ưu, vừa đảm bảo lợi nhuận tốt do giá lúa thương phẩm cao, giúp nắm bắt cơ hội trong việc gia tăng lợi nhuận và bù đắp một phần sản lượng thiếu hụt vụ Đông Xuân 2019-2020 do ảnh hưởng của hạn mặn.
Ông Tùng cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 4.130 ô bao kiểm soát lũ với diện tích trên 1 triệu ha. Tùy theo vùng ngập sâu, ngập nông và vùng ven biển sẽ có khuyến cáo lịch thời vụ lúa Thu Đông khác nhau. Cơ cấu giống lúa sẽ ưu tiên sử dụng một số giống lúa thơm chiếm tỉ lệ 20-30% trong cơ cấu giống: Jasmine 85, nhóm giống ST, Nàng Hoa 9, VD20, Đài Thơm 8... Giống lúa chủ lực xuất khẩu cần chiếm tỉ lệ 50-60%: OM5451, OM6976, OM18, OM 7347, OM4900. Hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống chất lượng trung bình IR 50404, OM 576 khoảng 10-20%.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt lưu ý, đối với vụ Mùa và vụ lúa - tôm phải chờ mưa thật nhiều để rửa mặn, đủ nước tưới mới xuống giống để đảm bảo an toàn. Theo đó, lúa mùa một vụ, xuống giống khoảng tháng 9. Lúa mùa trên nền tôm - lúa xuống giống trong tháng 7-8.
Tiến sỹ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa chính của cả nước, nơi chiếm 54,3% về diện tích, 55,6% về sản lượng cả nước (năm 2018). Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra với tần suất ngày càng nhanh, tạo ra lũ lụt nghiêm trọng, hạn hán, xâm nhập mặn,…ở các vùng trong khu vực, đặc biệt là các vùng đất thấp trồng lúa nước.
Viện dẫn nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, Tiến sỹ Trần Ngọc Thạch cho biết, mùa mưa có thể xuất hiện vào giữa tháng 6/2020 với lượng mưa tương đương trung bình nhiều năm. Trong khi đó, tổng lượng dòng chảy của sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 3 đến cuối mùa khô năm 2020 dự báo ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm 15 – 20%. Đây là điều kiện thuận lợi cho canh tác lúa vụ Thu Đông, vì vậy ngoài các khuyến cáo về thời vụ xuống giống, sử dụng giống tốt có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn thì rất cần các giải pháp đồng bộ trong kỹ thuật canh tác, từ làm đất, xử lý giống, gieo mạ, bón phân, quản lý nước,…