Trong đó, thu ngân sách địa phương (NSĐP) đạt 118,6% dự toán (tương ứng vượt 77,8 nghìn tỷ đồng), hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao (58/63 địa phương); thu ngân sách Trung ương (NSTW) không kể ghi thu, ghi chi viện trợ cho các dự án, cơ bản đạt dự toán.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) đã đăng ký và sử dụng dịch vụ NTĐT với Cục thuế Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Theo Thứ trưởng Hải, mặc dù có những thời điểm nguồn thu ngân sách tập trung chậm nhưng vẫn đảm bảo chi theo đúng dự toán. Điều hành quản lý chặt chẽ nguồn dự phòng các cấp; tạm giữ lại 50% dự toán chi dự phòng NSTW và NSĐP (đối với những địa phương dự kiến giảm thu) để chủ động xử lý khi nguồn thu NSNN giảm lớn. “Cơ quan tài chính đã tăng cường kiểm tra việcsử dụng ngân sách tại một số bộ, địa phương; một số dự án đầu tư sử dụng vốn NSNN; tăng cường công tác kiểm soát chi của KBNN. Nhờ đó, kỷ luật tài chính được tăng cường, hiệu quả sử dụng NSNN có tiến bộ”, ông Hải nói.
Đề cập về nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng: Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao, liên tục, nhưng công tác phân bổ và giải ngân vốn đầu tư năm nay vẫn rất chậm. Ước đến ngày 31/12/2016 giải ngân nguồn vốn NSNN mới đạt khoảng 80% dự toán, vốn trái phiếu Chính phủ ước đạt 55,2% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2015 tương ứng đạt 79% và 72% dự toán).
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016 được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến, hoạt động sản xuất- kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực vẫn duy trì đà tăng trưởng; thị trường tài chính, tiền tệ ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; thu hút và giải ngân vốn FDI tăng mạnh... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn nguồn thu NSNN, như: Tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,21% (không đạt kế hoạch đề ra là 6,7%); giá dầu thô thế giới dao động ở mức thấp; thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển; vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội còn nhiều bất cập.
Chính vì vậy, mặc dù đã tích cực triển khai ngay từ đầu năm, song nhìn chung tiến độ thu NSNN, đặc biệt là NSTW năm nay luôn đạt thấp so với dự toán và chậm hơn so với cùng kỳ năm 2015. Tháng 10/2016, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đánh giá thu NSNN năm 2016 ước vượt khoảng 24,5 nghìn tỷ đồng; trong đó, thu NSĐP vượt khoảng 36 nghìn tỷ đồng; thu NSTW hụt khoảng 8 - 12 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do giá dầu thô giảm (giá dự toán 60 USD/thùng; thực hiện khoảng 44 USD/thùng).
Để phấn đấu giảm tối đa số hụt thu NSTW, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu; triển khai các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; đôn đốc thu các khoản theo kết quả kiểm toán, thanh tra;xử lý thu nợ đọng thuế; tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực có đóng góp số thu NSTW. Do vậy, kết quả thu NSNN năm 2016 đã đạt khá hơn dự báo.