Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay, Ấn Độ và các nước nuôi tôm đã hết vụ sản xuất tôm chính; nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản tăng; các thị trường trọng điểm như: EU, Hoa Kỳ, đặc biệt là Trung Quốc có nhu cầu tăng vào cuối năm; giá tôm, cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng trở lại do các nhà máy chế biến tăng mua.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam, cùng với trên 30 doanh nghiệp xuất khẩu tôm có mức thuế chống bán phá giá bằng 0, các doanh nghiệp thủy sản có thể tự tin xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Dự báo sản lượng tôm và các tra đạt và vượt kế hoạch đề ra, đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên, dự báo về giá tôm, cá tra xuất khẩu sẽ khó tăng lên.
Trong 10 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 7,06 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chiếm tỷ trọng 21,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
Hiện Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm khoảng 57% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Về chủng loại xuất khẩu, sản phẩm tôm chiếm khoảng 39% tổng kim ngạch, cá tra chiếm trên 23%, cá ngừ chiếm 8,7%, nhuyễn thể chiếm 8%...
Đánh giá về nguyên nhân xuất khẩu thủy sản giảm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, thế giới có tốc độ phát triển kinh tế giảm nên nhu cầu giảm. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng đã chủ động khai thác, nuôi trồng thủy sản. Một số thị trường còn tăng cường kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu, đưa ra điều kiện truy xuất sản phẩm, an toàn thực phẩm…
Đặc biệt là xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU gặp khó sau khi Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” đối với sản phẩm khai thác hải sản. Năm nay, 100% lô hàng thủy sản khai thác khi xuất khẩu vào EU phải chịu kiểm soát, thời gian kiểm soát từ 15 - 20 ngày đã làm giảm hiệu quả, giá trị xuất khẩu giảm, kéo theo thị phần giảm. EU từ vị trí thứ 2 nay đã xuống thứ 4 về thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết thêm, năm 2017 và 2018 là những năm xuất khẩu thủy sản đều được giá. Nhưng từ đầu năm nay, giá thủy sản xuất khẩu giảm, đặc biệt trên cả hai đối tượng xuất khẩu chính là tôm và cá tra. Điển hình mặt hàng tôm, do một số nước như Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam đều được mùa nên giá giảm, có thị trường giá còn giảm 1 USD/kg. Trong khi đó, khối lượng xuất khẩu vẫn tốt nhưng do giá giảm nên giá trị xuất khẩu giảm.
Trong 10 tháng năm 2019, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt gần 6,7 triệu tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng khai thác đạt 3,16 triệu tấn, tăng 4,4%; nuôi trồng đạt 3,54 triệu tấn, tăng 6,2%.
Về nuôi trồng thủy sản, tôm nước lợ đạt tổng sản lượng trên 600.000 tấn tăng khoảng 4,4% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng tôm sú đạt trên 251.000 tấn, tăng 1,6%; tôm thẻ đạt 389.000 tấn, tăng hơn 8%.
Cá tra đạt sản lượng 1,19 triệu tấn, tăng 8,6%. Giá cá tra nguyên liệu hiện dao động ở mức khoảng 20.000 - 22.000 đồng/kg. Với các hộ tham gia chuỗi liên kết thì giá cá cao hơn, đảm bảo có lãi từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Dự kiến nguồn cung cấp cá nguyên liệu vẫn còn nhiều với khoảng 500.000 tấn, đủ đáp ứng cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu.