Thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước: Nhiều áp lực mới

Thời gian qua, tốc độ thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước đang có xu hướng chậm lại và xuất hiện nhiều áp lực mới. Do đó, cần có các giải pháp đẩy nhanh tiến trình, tránh bị các nhóm lợi ích định giá thấp, thôn tính doanh nghiệp với giá rẻ làm thất thoát vốn của nhà nước.

Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, trong giai đoạn này sẽ thoái vốn tại hơn 400 doanh nghiệp Nhà nước. Trong số đó, năm 2018 phải thoái vốn tại 181 doanh nghiệp, năm 2019 thoái vốn tại 62 doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm 2018, việc thoái vốn mới thực hiện tại 54 doanh nghiệp, những tháng đầu năm 2019 cũng chưa có doanh nghiệp nào trong danh sách thực hiện thoái vốn, chưa kể 127 doanh nghiệp trễ hẹn của năm 2018 cũng phải khẩn trương thoái vốn.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tiến độ thoái vốn Nhà nước như vậy là chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số bộ, ngành, địa phương có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện, thoái vốn vẫn đang triển khai thực hiện, nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả. Các đơn vị này vẫn chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.

Theo ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, để thoái vốn hiệu quả, cần xác định rõ mục tiêu của việc thoái vốn, bán tài sản. Nhưng hiện nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng chưa biết bán phần vốn Nhà nước theo phương thức nào để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc thoái vốn Nhà nước theo phương thức bán trọn lô đang phát huy hiệu quả tích cực. Điển hình như thương vụ thoái vốn Nhà nước khỏi Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn đã thu về cho ngân sách gần 5 tỷ USD và tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam cũng thu về cho Nhà nước khoảng chênh lệch gần 9.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Việc áp dụng phương thức này cũng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được một phần khó khăn trong việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa và tránh thất thoát tài sản Nhà nước.

Chú thích ảnh
Một góc nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: dantri.com.vn

Bên cạnh đó, việc xác định giá bán lại các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ càng khó hơn. Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, doanh nghiệp có phần lúng túng trong quá trình thoái vốn tại các đơn vị có dự án thua lỗ. Đơn cử trường hợp Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Tổng công ty Giấy Việt Nam) đã đấu giá 3-4 lần, nhưng không có nhà đầu tư mua. Tổng công ty Thép Việt Nam nếu muốn thoái vốn ở Nhà máy Gang thép Thái Nguyên cũng không dễ làm, bởi tại doanh nghiệp này vẫn còn tranh chấp pháp lý giữa đơn vị thi công và chủ đầu tư, phải xác định rõ sai phạm.

Ông Đặng Quyết Tiến thừa nhận, đây là những vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều. Có doanh nghiệp, nhà đầu tư không mặn mà, không mua, có doanh nghiệp có dư địa bán thì lại vướng.

Ngoài ra, việc xác định giá bán phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn còn do phần lớn các doạnh nghiệp sau cổ phần hóa không thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.  

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2018 vẫn còn 667 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; trong đó có 295 doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành và 372 doanh nghiệp thuộc các địa phương.

Bà Lê Thị Thu Hà - Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, việc gắn cổ phần hóa với niêm yết cổ phiếu đến thời điểm này vẫn chưa được chú trọng do các doanh nghiệp và đại diện chủ sở hữu chưa nhận thức rõ được lợi ích của việc đưa cổ phiếu lên niêm yết. Nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán đã ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường dẫn đến hạn chế hoạt động giám sát của toàn xã hội đối với các doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Bộ sẽ chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt theo quy định của pháp luật những doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ kiến nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu xử lý trách nhiệm cá nhân đại diện vốn doanh nghiệp Nhà nước chưa thực hiện niêm yết. 

Một phần vướng khác trong thoái vốn cũng liên quan đến đất đai do nhiều đơn vị vẫn chưa có đủ hồ sơ, chưa xác lập quyền sử dụng đất của doanh nghiệp nên chưa thể thực hiện thoái vốn.

Thoái vốn ở các doanh nghiệp Nhà nước còn vướng những thủ tục trong quá trình thẩm định, định giá khiến cho đối tác mua không thể quyết định. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng TS Cấn Văn Lực, các cơ quan chức năng phê duyệt phương án chậm nên đến khi phê duyệt được thì giá đã thay đổi, chỉ cần sau mấy tháng giá đã có nhiều biến động khiến người mua khó quyết định.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần mạnh tay thoái vốn với tỷ lệ cao, thậm chí bán 100% vốn tại những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ để nguồn lực quan trọng này được huy động cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước và giảm nợ công.

Tại cuộc họp đánh giá hoạt động năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi  mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước đề ra các nguyên tắc khi thoái vốn; trong đó có yêu cầu công khai, minh bạch, tối đa hóa giá trị vốn Nhà nước theo thị trường, chứ không yêu cầu phải bảo toàn vốn Nhà nước. Do vậy, có những trường hợp giá vốn theo thị trường dưới mệnh giá vẫn có thể thoái, càng giữ thì Nhà nước càng thiệt.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh cần vận hành lại, cơ cấu lại các dự án thua lỗ, yếu kém trước khi thoái vốn, cổ phần hóa. Những trường hợp có thể khắc phục, cổ phần hóa được mà bán non, thiệt hại lợi ích sẽ không làm. Những trường hợp đặc biệt thua lỗ kéo dài, "chết lâm sàng từ lâu" phải thoái ra để cắt lỗ.

Để góp phần đưa kế hoạch thoái vốn cán đích vào năm 2020, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thoái vốn theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đẩy mạnh việc niêm yết trên thị trường chứng khoán và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công khai minh bạch các trường hợp làm chậm, cố tình không làm. Theo ông Đặng Quyết Tiến,  những ai không làm, không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị xử lý trách nhiệm. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị tăng cường giám sát kiểm tra và công khai thông tin để tới đây những doanh nghiệp làm chậm cũng phải công khai để cho xã hội và người dân biết.

“Điều quan trọng nhất là bất kỳ dự án nào thoái vốn phải đảm bảo nguyên tắc đúng pháp luật, công khai, minh bạch và theo nguyên tắc thị trường, hạn chế tối đa thỏa thuận”, ông Đặng Quyết Tiến nói.

Thùy Dương (TTXVN)
Thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam
Thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc thoái phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN