Dù tăng trưởng xuất khẩu chưa cao lắm, nhưng Myanmar vẫn được các doanh nghiệp (DN) Việt Nam xem là thị trường triển vọng, tiềm năng trong tương lai khi Cộng đồng Kinh tế Asean hình thành (dự kiến vào cuối năm 2015), đưa đến những thuận lợi về thương mại và đầu tư trong khối Asean. Phải cạnh tranh với hàng từ nhiều nước trong khu vực châu Á, nhưng hàng Việt Nam đang được người tiêu dùng Myanmar đón nhận. Vì vậy, nhiều DN Việt Nam muốn tìm hiểu hơn thị trường này để thâm nhập.
Thị trường tiềm năng
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2014 kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Myanmar đạt 345,9 triệu USD, tăng 51,8% so với năm 2013; kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Myanmar đạt 134,8 triệu USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong quí I/2015, Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar trên 85 triệu USD và nhập khẩu từ Myanmar trên 17,1 triệu USD. Dự kiến trong năm 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vượt 500 triệu USD và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của DN Việt Nam sang Myanmar đạt 1 tỷ USD.
Một trong những hoạt động xúc tiến thương mại tại Myanmar của DN Việt Nam
|
Trước tiềm năng của thị trường Myanmar, trong những năm qua Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) luôn tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hoạt động triển lãm, hội chợ nhằm hỗ trợ DN mở rộng thị trường, thiết lập các kênh phân phối sản phẩm Việt Nam tại Myanmar. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh vào thị trường Myanmar đã tăng lên rõ rệt với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2012 – 2014 là 157,46%. Trong đó, năm 2013 đạt 73,8 triệu USD; năm 2014 đạt 77,34 triệu USD.
Đáng chú ý, các nhóm hàng mà DN TP Hồ Chí Minh xuất khẩu vào Myanmar tăng cao và có dấu hiệu tăng trưởng tốt thời gian qua là: rau quả, dây điện và dây cáp điện, vải, phân bón, nguyên phụ liệu dệt may – da giày, thủy sản, giày dép, gốm sứ, mây-tre-cói-thảm.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao là điều thường thấy ở các thị trường xuất khẩu mới, nhưng theo đánh giá của ITPC, sự tăng trưởng kim ngạch thương mại với thị trường Myanmar có hai điểm tích cực đáng chú ý. Thứ nhất, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Myanmar cũng như thứ hạng của Việt Nam so với các nước xuất khẩu vào Myanmar tăng khá nhanh và ổn định. Việt Nam được coi là đối tác thương mại lớn, đứng thứ 9 trong các nước đối tác về thương mại của Myanmar hiện nay.
Thứ hai là mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng hơn. Ngoài 7 mặt hàng xuất khẩu chủ lực truyền thống sang Myanmar như: sắt thép các loại, sản phẩm từ kim loại thường khác, máy móc thiết bị và phụ tùng, nguyên liệu và sản phẩm nhựa, sản phẩm dệt may, phương tiện vận tải, đồ gốm sứ; đã có thêm 3 mặt hàng mới có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2014 là thực phẩm (8,8 triệu USD), xi măng và clinhke (10,6 triệu USD), đồ nội thất (3,3 triệu USD).
Những mặt hàng nhập khẩu từ Myanmar vào Việt Nam chủ yếu vẫn gồm gỗ tròn, đậu đỗ các loại và nguyên liệu thủy sản. Tuy nhiên, từ 1/4/2014, Myanmar đã cấm xuất khẩu gỗ tròn nên tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Về đầu tư, tính đến tháng 12/2014, đầu tư từ Việt Nam vào Myanmar có 8 dự án được cấp phép với tổng giá trị 688,6 triệu USD. Trong đó, lớn nhất là dự án tổ hợp khách sạn, văn phòng nhà ở cao cấp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với tổng mức đầu tư 440 triệu USD. Việt Nam đứng thứ 8 trong các nước đối tác và chiếm 1,3% tổng vốn FDI của Myanmar. Ngoài ra, hiện có 35 doanh nghiệp Việt Nam thành lập công ty, văn phòng đại diện tại Myanmar.
Đẩy mạnh thâm nhập thị trường
Trước tiềm năng đẩy mạnh giao thương của hai nước Việt Nam – Myanmar, vào ngày 11/3/2015 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Liên bang Myanmar, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đề nghị Chính phủ Myanmar tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Myanmar trong 12 lĩnh vực ưu tiên nêu trong Tuyên bố chung về hợp tác Việt Nam-Myanmar (ký tháng 4/2010); đồng thời tạo điều kiện và đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho các dự án của Việt Nam tại Myanmar.
Thông qua triển lãm, hội chợ tại Myanmar, nhiều DN Việt Nam mong muốn tìm các kênh phân phối để mở rộng thị trường xuất khẩu tại đây |
Lãnh đạo cấp cao Myanmar đã nhất trí xem xét việc cấp phép cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mở chi nhánh hoạt động tại Myanmar, tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mở rộng hoạt động thăm dò dầu khí tại Myanmar, xem xét hỗ trợ hoạt động liên doanh của Tập đoàn Viettel với Công ty Yantanarporn Teleport, đồng thời nhất trí sớm thúc đẩy thành lập Hội hữu nghị Myanmar – Việt Nam để tăng cường giao lưu giữa nhân dân hai nước.
Lãnh đạo cấp cao Myanmar cũng đề nghị hai nước tăng cường hợp tác về sản xuất và tiếp thị gạo, cao su; sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm; hợp tác nuôi trồng thủy sản, cá lồng nước ngọt, sản xuất rau quả; đồng thời đề nghị DN Việt Nam đầu tư vào 3 đặc khu kinh tế Myanmar mới thành lập.
Hiện nay, một số DN Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường Myanmar là Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, một trong những doanh nghiệp đầu tiên đưa hàng Việt Nam vào thị trường Myanmar; Công ty cổ phần Bibical, Công ty cổ phần nội thất Hòa Phát… Tiếp bước những DN đã thâm nhập thị trường Myanmar nhiều năm kiên trì bám trụ, có những DN mới đi tìm hiểu thị trường Myanmar vài năm gần đây và đã tìm được đối tác làm nhà phân phối để xuất khẩu hàng qua Myanmar. Tuy nhiên, theo ITPC, với những DN mới thâm nhập thị trường, việc cạnh tranh để giành thị phần tại thị trường Myanmar là điều không phải tránh khỏi.
Điển hình như Công ty TNHH Long Hải, chuyên về sản phẩm thạch rau câu. Chính thức đưa vào các kênh bán lẻ tại Myanmar vào tháng 9/2014, nhưng để cạnh tranh với hàng của Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc và sản phẩm nội địa Myanmar, ngoài chất lượng đặt lên hàng đầu, Long Hải đã phải thay đổi mẫu mã sản phẩm phù hợp văn hóa tiêu dùng bản địa và định giá sản phẩm luôn ngang với hàng Thái Lan và Malaysia, đồng thời luôn song hành với nhà phân phối bản địa trong kế hoạch tiếp thị, hỗ trợ họ quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ, các buổi dùng thử sản phẩm.
Mạnh nhất trong lĩnh vực sữa, nhưng đến năm 2013, Công ty Sữa Việt Nam – Vinamilk mới chính thức tìm nhà phân phối thị trường Myanmar. Cuối tháng 12/2014, công ty xuất khẩu lô đầu tiên các sản phẩm sữa tươi, nước trái cây, sữa đậu nành. Trong tháng 5/2015, Vianamilk xuất lô thứ hai các sản phẩm sữa bột, sữa đặc. Hiện nay, tất cả sản phẩm Vianmilk đã có mặt tại các siêu thị và chợ truyền thống, bệnh viện ở Yangon, Mandalay, cạnh tranh với hàng Thái Lan về chất lượng sản phẩm và giá.
Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, từ năm 2012 đến nay, Công ty cổ phần Thép TVP xuất mặt hàng ống thép đen, ống thép mạ kẽm các loại; cung cấp ống thép xây dựng cho các công ty thương mại và công ty xây dựng tại thị trường Myanmar. Với lợi thế chất lượng tốt, nhờ vậy công ty đã cạnh tranh được với các mặt hàng của cùng loại từ Trung Quốc. Theo đó, hàng hóa cung cấp cho thị trường Myanmar của công ty tăng trung bình 10%/năm…
Không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm những nhà phân phối cho những ngành hàng tiêu dùng mà ngày càng có thêm nhiều DN Việt Nam có nhu cầu kết nối đối tác Myanmar có năng lực để đưa những mặt hàng điện, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị vào các công trình, nhà máy, tham gia vào các dự án chính phủ tại Myanmar.
Từ ngày 20/5 -24/5, Hội chợ triển lãm Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Việt Nam – Myanmar (Ho Chi Minh City Expo) lần 5 sẽ diễn ra tại trung tâm Tatmadaw Hall, thành phố Yangon, Myanmar. Đây là một trong chuỗi sự kiện được Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Bộ Công thương Việt Nam, Bộ Thương mại Myanmar tổ chức nhằm đẩy mạnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường, thiết lập các kênh phân phối sản phẩm Việt Nam tại Myanmar.
Gần 80 DN Việt Nam đã đăng ký tham gia hội chợ triển lãm với 125 gian hàng, gồm các nhóm hàng: thực phẩm chế biến, nông sản chế biến, đồ gia dụng, đồ điện, hàng dệt may, giày dép, hóa mỹ phẩm, đồ trang trí nội thất, gốm sứ, hàng thủ công mỹ nghệ, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị công nghiệp… |
Bài, ảnh: Hải Yên