Thị trường xe thêm “ảm đạm”
Anh Nguyễn Huy Quang, phụ trách Cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda Việt Nam ủy nhiệm (HEAD) Honda Đức Trí (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cùng thời điểm tháng “Ngâu” của năm ngoái, anh vẫn đang tất bật kiểm kê xe tồn kho chuẩn bị cho đợt bán hàng phục vụ sinh viên, học sinh vào năm học mới, nhưng giờ đã khác. Từ đầu tháng 8 đến nay, công việc của anh nhàn rỗi hơn so với mọi năm.
Theo anh Huy Quang, lý do anh nhàn rỗi do sức mua năm nay đã giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp giá xe đang tốt. “Thị trường bắt đầu đi xuống từ tháng 5 nhưng tới tháng "Ngâu" thì xuống dốc mạnh”, anh Huy Quang than thở.
Anh Huy Quang cho biết, hiện tại phần lớn các mẫu xe máy tại HEAD đều bán dưới giá niêm yết từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng, thậm chí có nhiều mẫu xe giảm giá mạnh như SH350i giảm tới 20 triệu xuống còn 130 triệu đồng, Winner X giảm từ 15 - 17 triệu đồng, xuống còn từ 29 - 33 triệu đồng, Vario 160 giảm 8 - 10 triệu, xuống còn 42 - 46 triệu đồng. Cá biệt chỉ có mẫu Honda Vision bản thể thao là tăng giá 1 - 2 triệu đồng do còn ít hàng.
Tình trạng trên cũng là bối cảnh chung tại các HEAD xe máy Honda trên địa bàn Thủ đô. Một nhân viên bán hàng của Honda Kường Ngân chia sẻ, thông thường thời điểm tháng 8 là giai đoạn nhộn nhịp do sinh viên chuẩn bị nhập học, sức tiêu thụ tăng ở các mẫu xe bình dân như Wave hoặc Blade, nhưng thời điểm này không thấy được điều này.
Không chỉ ở thị trường xe mới, tại các chợ xe cũ sức mua cũng giảm trông thấy, thậm chí giảm mạnh sau ngày biển số định danh có hiệu lực theo Thông tư số 24/2023/TT-BCA quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới do Bộ Công an ban hành.
Theo ghi nhận tại chợ xe máy cũ ở phố Chùa Hà và đường Láng (Cầu Giấy, Hà Nội), hình ảnh nhộn nhịp khách tới tìm mua xe đã biến mất, chỉ còn lại hàng hàng lớp lớp xe máy xếp hàng và người bán thì… chán không mời khách.
Anh Nguyễn Đức Quân, chuyên kinh doanh xe máy cũ ở phố Chùa Hà cho biết, khách vắng hẳn sau ngày 15/8, cả tuần chỉ lác đác vài người đến hỏi bán xe. “Trước đây mua xe chỉ cần hợp đồng uỷ quyền, khi có khách mua thì mới tiến hành sang tên. Giờ theo luật mới phải tìm lại chủ xe để làm thủ tục thu hồi biển số mới sang tên được. Điều này khiến khách có nhu cầu mua ngại chờ đợi, hoặc cảm thấy chưa yên tâm nên khó xuống tiền ngay như trước”, anh Đức Quân nói.
Bên cạnh yếu tố định danh biển số, một số chủ cửa hàng xe cũ cho rằng thời điểm này nhiều loại xe máy mới và xe máy điện đang khuyến mại rầm rộ, giảm giá, cũng khiến khách hàng tìm mua xe cũ giảm mạnh.
Không chỉ Honda khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng, Yamaha, Suzuki, Piaggio.... cũng “đua” kích cầu trong tháng "Ngâu" với nhiều mẫu xe. Cụ thể, khách mua Janus, Grande, hay Freego được Yamaha Việt Nam hỗ trợ phí đăng ký xe là 2 triệu đồng hoặc được tặng tai nghe Apple AirPods 2, khách hàng mua xe côn tay Yamaha Exciter 155 VVA sẽ được hỗ trợ phí đăng ký lên đến 5 triệu đồng.
Với Suzuki, khách hàng mua xe côn tay Satria được hỗ trợ trị giá lên đến 3,5 triệu đồng, mua Raider hoặc Burgman là 3 triệu đồng. Cũng tặng phí trước bạ cho khách, nhưng Piaggio còn áp dụng cho khách mua các mẫu Liberty và Medley, kèm voucher bảo hành xe 5 năm, bảo dưỡng xe 1 năm...
Thị trường xe máy đến cuối năm khó “bứt tốc”
Thị trường xe máy Việt Nam nửa cuối năm 2023 nhiều biến động với khó khăn không chỉ thấy từ góc nhìn người bán mà còn qua số liệu thực tế. Kết thúc quý II/2023, báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho thấy, doanh số thị trường xe máy theo đà giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp các hãng xe và đại lý đã ra sức tung ưu đãi, khuyến mãi suốt nhiều tháng qua.
Cụ thể, tổng doanh số bán hàng quý II/2023 của 5 thành viên VAMM (gồm Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio và SYM) là 588.926 xe, giảm hơn 7% so với quý I (bán 634.688 xe). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh số VAMM là gần 1,224 triệu xe, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái (bán 1.409.004 xe).
Mặc dù VAMM không công bố số liệu bán hàng theo tháng của từng thành viên, nhưng theo Motorcycles - chuyên trang dữ liệu xe máy toàn cầu, cộng dồn 7 tháng của năm 2023, tổng lượng tiêu thụ xe máy mới tại Việt Nam đạt 1,56 triệu xe, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá về cơ hội để thị trường xe máy trở lại con số hơn 3 triệu xe như năm 2022, anh Nguyễn Huy Quang cho rằng sẽ rất khó để thị trường này bứt tốc. “Thời điểm bán xe tốt nhất là trước năm học mới đã qua mà khách vẫn ít thì rất khó kỳ vọng dịp cuối năm. Kinh tế khó khăn kéo theo việc người dân thắt chặt chi tiêu, mua sắm, giá xăng dầu liên tục biến động… đã tác động không nhỏ tới quyết định mua xe máy mới”, anh Quang nhận định.
Bên cạnh đó, các chuyên gia trong ngành cho rằng, thị trường xe máy tại Việt Nam đang đối mặt với một giai đoạn khó khăn và nỗi lo sau khi doanh số bán hàng liên tục giảm bởi tình hình kinh tế khó khăn đã khiến người dân thắt chặt ngân sách, giảm chi tiêu và mua sắm.
Trong bối cảnh nguồn cung cao hơn nguồn cầu và lượng xe máy tồn kho cao, liệu giá xe máy trên thị trường có tiếp tục giảm sâu hơn nữa trong thời gian tới? Đây là một câu hỏi đang đặt ra và chưa có lời đáp cho các nhà sản xuất và phân phối. Trước tình hình chưa thể khởi sắc, thị trường xe máy cần những biện pháp kích thích tiêu dùng và đổi mới sản phẩm để thu hút người tiêu dùng trở lại. Khả năng phục hồi của thị trường vẫn còn là một câu hỏi mà ngành công nghiệp xe máy đang phải đối mặt.