Cá chép giảm giá mạnh
Sáng 28/1 (ngày 23 tháng Chạp), tại các chợ truyền thống như Phước Long B (quận 9), Bà Chiểu (Bình Thạnh), Thủ Đức (quận Thủ Đức)… có khá đông người đi mua sắm các mặt hàng phục vụ cúng ông Công ông Táo.
Theo đánh giá chung, giá cả các mặt hàng phục vụ cúng ông Công ông Táo không tăng, thậm chí có những mặt hàng giảm giá mạnh là cá chép.
Khoảng 6 giờ sáng, cá chép vàng loại trung được bán với giá 15.000 - 20.000 đồng/con tùy loại, nếu mua 3 con có giá từ 40.000 - 60.000 đồng. Tuy nhiên, đến gần 8 giờ, giá cá chép được hạ xuống còn 10.000 đồng/con, 3 con có giá 30.000 đồng. Người bán liên tục rao: “Cá chép đại hạ giá đây" nhằm thu hút khách, nhưng vẫn ít người mua.
Theo lý giải của các tiểu thương, năm nay lượng người mua cá chép ít trong khi tiểu thương nhập hàng nhiều nên phải tranh thủ bán hết trong ngày 23 âm lịch. Do đó, đến khoảng 9 giờ, đồng loạt cá chép được hạ giá xuống còn 15.000 - 20.000 đồng/3 con.
Chị Thanh, tiểu thương chuyên bán cá tại chợ Phước Bình (quận 9), cho biết tình hình buôn bán sáng nay rất chậm. "Từ sáng giờ em mới bán được khoảng 100 con mà phải liên tục giảm giá để đẩy hàng, chứ bằng giờ này năm ngoái là bán hết vài trăm con", chị Thanh cho biết.
Vàng mã sức mua không cao
Trong ngày cúng ông Công ông Táo tại TP Hồ Chí Minh, sức mua vàng mã cũng không tăng trong khi giá cả tăng nhẹ từ 5-10%. Cụ thể, giá một bộ đồ cúng ông Công, ông Táo loại trung bình là 10.000 - 30.000 đồng tùy theo kích cỡ, những bộ có kích cỡ lớn, giá tiền cao thường được khách hàng đặt trước; hương khắc văn khấn có giá từ 30.000 -50.000/5 cây...
Các mặt hàng vàng mã hiện đại như nhà lầu, biệt thự, xe hơi, điện thoại... có giá vài trăm ngàn đồng/bộ năm nay rất ít khách lựa chọn. Nếu có mua, khách hàng thường chọn những loại được bán trọn gói, đóng chung một túi với giá khoảng 80.000- 100.000 đồng/bộ.
Theo những tiểu thương kinh doanh vàng mã ở chợ truyền thống Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ bán buôn Bình Tây (quận 6), năm nay lượng khách hàng mua vàng mã không tăng, khách hàng chủ yếu mua các lễ vật truyền thống trong lễ cúng ông Công ông Táo như giấy tiền vàng bạc, quần áo, cá chép giấy... và kẹo thèo lèo để cúng.
Chị Nguyễn Thu Trang, tiểu thương bán hàng tại chợ Bà Chiểu cho biết, Tết đang đến gần nên nhiều gia đình cũng tiết kiệm chi tiêu, để dành tiền sắm Tết, vì vậy chỉ mua những mặt hàng thiết yếu. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chị Trang cũng chỉ nhập các mặt hàng truyền thống có giá cả phải chăng để buôn bán thay vì nhập các mặt hàng đắt tiền, hiện đại như các năm trước.
Hoa tươi, trái cây tăng giá
Trái ngược với các loại cá chép, vàng mã... có sức mua không tăng, mặt hàng hoa tươi, trái cây lại đang tăng giá khá mạnh.
Chị Vũ Thị Linh, tiểu thương bán hoa tươi, trái cây tại chợ Phước Long B (quận 9) cho biết, trong 2 ngày qua, giá hoa tươi liên tục tăng mạnh so với tháng trước. Những loại hoa tăng giá nhiều và nhanh nhất là hoa cúc, hoa hồng, hoa ly, hoa lan... Nếu như ngày thường, cúc đại đóa có giá 10.000 - 25.000 đồng/bó, thì trong ngày ông Công ông Táo đã tăng 15.000 - 35.000 đồng/bó, hoa hồng hiện cũng được đẩy giá lên 25.000 - 50.000 đồng/10 bông, hoa ly đang có giá 150.000 - 200.000 đồng/3 cành…
“Nguồn cung hoa phục vụ thị trường cận Tết năm nay ít hơn mọi năm, một phần do thời tiết trong Nam vừa qua nắng mưa thất thường khiến nguồn cung hoa ở các tỉnh đổ về cũng giảm mạnh. Giá hoa nhập tại các nhà vườn tăng nên thương lái bán lẻ cũng phải tăng giá bán để trừ chi phí vận chuyển”, chị Linh cho biết thêm.
Các loại trái cây trong ngày 23 tháng Chạp cũng tăng giá nhẹ, từ 5-10% so với ngày thường, đặc biệt là các loại trái cây dùng để cúng. Chẳng hạn như bưởi năm roi có giá 30.000 - 50.000 đồng/kg/tùy loại, thanh long có giá 20.000 - 40.000 đồng/kg, chuối có giá 15.000 - 30.000 đồng/kg… Sức mua những mặt hàng này cũng tăng cao từ 30 - 40% so với ngày thường.