Thay vì tăng giá thì đồng USD lại quay đầu sụt giảm; trong khi đó giá vàng diễn biến theo chiều hướng tăng lúc đầu nhưng cũng đã ổn định trở lại.
Sau vài tiếng tăng mạnh vào đầu giờ sáng, thị trường vàng trong nước đã ổn định trở lại. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Mở cửa ngày giao dịch, giá vàng SJC được các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh tăng từ 100.000 – 200.000 đồng/lượng và tiến sát mốc 37 triệu đồng/lượng. Kim loại quý trong nước đón nhận “chất xúc tác” từ thị trường thế giới sau khi Fed công bố nâng lãi suất.
Tuy nhiên, sau vài tiếng tăng mạnh vào đầu giờ sáng, thị trường vàng trong nước đã ổn định trở lại dù giá vàng thế giới vẫn trong xu hướng tăng. Lúc 17 giờ chiều nay, giá vàng SJC được Tập đoàn Doji niêm yết mua vào – bán ra tương ứng ở mức 36,65 – 36,75 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ so với đầu giờ sáng.
Trái ngược với vàng, giá USD sáng nay đồng loạt được các ngân hàng điều chỉnh giảm từ 40 – 60 đồng. Tỷ giá trung tâm của VND với USD do Ngân hàng Nhà nước lại giảm một bước mạnh, từ 22.262 VND/USD xuống còn 22.252 VND/USD.
Giới phân tích nhận định, diễn biến trên là điều hết sức bình thường bởi việc Fed tăng lãi suất đã được dự báo trước và cũng bởi thị trường trong nước đã quen dần với những cú “shok” từ bên ngoài. Đặc biệt, chính sách điều hành tỷ giá của nhà điều hành thời gian qua là một công cụ mạnh để ứng phó với những diễn biến này.
Trả lời phóng viên TTXVN, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, thị trường ngày hôm nay dù có chút biến động nhưng đã không “tạo sóng” bởi đã có sự chuẩn bị trước. Những dự đoán về khả năng tăng lãi suất của Fed đã được thị trường chuẩn bị sẵn cả tháng nay.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này băn khoăn, việc Fed tăng lãi suất lần này và dự định sẽ tăng tiếp sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Hiện tại thị trường ngoại hối vẫn ổn định nhưng về lâu dài sẽ chịu ảnh hưởng.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu phân tích, lãi suất bằng đồng USD được Fed điều chỉnh tăng sẽ tạo áp lực lên tỷ giá. Lãi suất tiền gửi bằng USD tại nước ngoài được nâng lên và do đó, có thể có sự chuyển dịch ngoại tệ ra nước ngoài. Chính vì vậy Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại về chính sách tiền gửi bằng đồng USD.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lật lại vấn đề, nếu điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng USD sẽ gây sự chênh lệch về lãi suất và lại sẽ có sự dịch chuyển từ tiền đồng sang USD. Để đối phó với vấn đề này, lãi suất tiền đồng có thể sẽ tăng lên và nhà điều hành sẽ phải tính toán thận trọng để đảm bảo tăng trưởng tín dụng.