Đề án nhằm mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đề án xây dựng dựa trên quan điểm chính: Chủ động phát triển kinh tế ban đêm là phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế nhằm góp phần tận dụng tối đa thời gian, tạo thêm cơ hội cho tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa hoạt động kinh tế; đồng thời phục vụ tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân, người nước ngoài, đặc biệt khách du lịch.
Ngoài ra, kinh tế ban đêm không phải là một bộ phận tách rời của nền kinh tế. Trước mắt, phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Giải pháp chủ động phát triển kinh tế ban đêm gồm: Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro phát triển kinh tế ban đêm; nhóm giải pháp tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm và kiểm soát rủi ro; nhóm giải pháp sử dụng quy hoạch để quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm; nhóm giải pháp thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm tại một số thành phố, một số khu du lịch lớn trên cả nước và một số giải pháp khác.
Đáng chú ý, nhóm giải pháp thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm tại một số thành phố, trung tâm lớn, nơi có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc.
Trên cơ sở đó, hoạt động và công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm được đánh giá ở những nơi đã lựa chọn để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm; sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế, điều kiện thực tiễn ở địa phương, đặc biệt phù hợp với khả năng xây dựng các cơ sở hạ tầng hỗ trợ, nguồn lực đầu tư và khả năng huy động, thu hút đầu tư ở từng địa điểm cụ thể. Các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm cần có sự tính toán kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng, tác động kinh tế ban đêm đến địa phương (cả tác động tích cực và tiêu cực) dựa trên nhu cầu và việc khai thác tối đa thế mạnh, cũng như yêu cầu và khả năng bố trí nguồn lực quản lý và hỗ trợ của địa phương.
Trong quá trình xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ mới, các địa phương chủ động nghiên cứu quy hoạch những khu vực, địa điểm có khả năng phát triển kinh tế ban đêm với khung thời gian hoạt động cụ thể ở từng khu vực nhằm đảm bảo an toàn xã hội để có cơ sở triển khai trong tương lai; rà soát, nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh cơ chế chính sách, khung pháp lý phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư cho sản phẩm kinh tế ban đêm…