Tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển nông sản

Chiều 7/6 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc họp với các bộ, ngành bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển nông sản ra cửa khẩu và luân chuyển nông sản giữa các tỉnh.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Y tế cùng phối hợp tạo một cơ chế kiểm duyệt và ngành y tế sẽ cấp giấy xác nhận để nông sản được ưu tiên lưu thông nhanh hơn trong bối cảnh dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Thương lái mua dưa lê giúp nông dân xã Đại Lai, huyện Gia Bình, Bắc Ninh. Ảnh minh họa: Thái Hùng/TTXVN

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thực tế các bộ, ngành đã có những văn bản chỉ đạo rất chặt chẽ. Tuy nhiên, qua các đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi các tỉnh biên giới thì thấy rằng, ở địa phương các cơ sở, người sản xuất không biết đầu mối hướng dẫn kiểm duyệt và xác nhận nông sản ở đâu, bắt đầu từ đâu. Bởi vậy, các đơn vị cần có cơ chế để nông sản lưu thông nhanh hơn.

“Nếu ba ngành cùng phối hợp thì doanh nghiệp chỉ cần ngành y tế cấp giấy xác nhận đủ điều kiện lưu thông. Khi có giấy xác nhận là hàng đã được kiểm dịch COVID-19 thì cảnh sát giao thông ưu tiên để hàng nông sản di chuyển thuận lợi.", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị Bộ Ngoại giao họp với phía Trung Quốc có thể có cơ chế cho phép tạm thời sử dụng “Hộ chiếu vaccine” đối với lái xe vận chuyển nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bộ Y tế xem xét đề nghị các địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho các lái xe vận chuyển để họ có thể lưu thông dễ dàng. Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu việc giảm phí, có cơ chế tạo điều kiện cho các xe vận chuyển nông sản thuận lợi hơn.

Tại cuộc họp, đại điện Bộ Y tế cho biết, qua các đợt dịch, Bộ đã có nhiều văn bản về hướng dẫn về phòng, chống dịch trong vận chuyển tại các khu vực có dịch ra ngoài. Đồng thời, hướng dẫn các tỉnh làm rõ việc sắp xếp bố trí các địa điểm giao nhận; tăng cường việc phòng, chống dịch trong vận chuyển hàng hóa… Bộ cũng chỉ đạo tăng cường xét nghiệm nhanh để thông thương hàng hóa cho các đối tượng tham gia vận chuyển. Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn liên quan đến vấn đề cách ly và Bộ đang phối hợp cùng các tỉnh để giải quyết.  

Về vận chuyển hàng hóa lên biên giới phía Bắc, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ để có những kiến nghị và đề nghị UBND các tỉnh phía Bắc có hỗ trợ thông thương hàng hóa một cách nhanh nhất.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, qua báo cáo nhanh của các địa phương Bắc Giang, Hải Dương, sản lượng tiêu thụ vải sớm có trên 60% sản lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa. Để tháo gỡ cho các hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thu mua, thu hoạch đảm bảo việc phòng, chống dịch và cũng như đảm bảo lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản hướng dẫn. Cùng đó, kết nối cung cầu bằng nhiều hình thức, đặc biệt là trực tuyến trên các kênh thương mại điện tử để đẩy mạnh việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản nói chung; trong đó có vải thiều. Bộ cũng đề nghị các nhà phân phối bán buôn, bán lẻ, đẩy mạnh phân phối các kênh lên trên hai lần so với các năm trước.

Ông Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng, bắt đầu vụ vải thiều chính vụ, để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước đặc biệt thị trường phía Nam cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lưu thông. Ông Hoàng Anh Tuấn đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, phối hợp với các sở tăng cường giúp đỡ doanh nhân, doanh nghiệp thu mua, kiểm dịch nhanh để có “giấy thông hành” trong lưu thông đi xuất khẩu cũng như tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khó khăn trong vận chuyển, lưu thông nông sản giữa các địa phương là các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết, mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh đối với lái xe và hàng hóa. Ngoài ra, việc tiêu thụ nông sản còn gặp khó khăn do cước phí vận tải tăng, nhu cầu thị trường giảm, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí cầu đường và lưu thông vận chuyển tăng...

Ông Nguyễn Quốc Toản đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải rà soát việc tổ chức hoạt động vận tải đi, đến nơi có dịch đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp quá mức cần thiết gây ách tắc hoạt động vận tải và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể là tạo điều kiện cho phép lưu thông nông sản khi có giấy xác nhận của cơ quan y tế địa phương.

Các địa phương cũng cần trao đổi, thống nhất nhất áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải, bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh, nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, năm nay có khoảng 10 loại trái cây chủ lực thu hoạch với sản lượng ước đạt 8,3 triệu tấn.

Bích Hồng (TTXVN)
Người dân TP Hồ Chí Minh ưu tiêu tiêu thụ nông sản nội địa
Người dân TP Hồ Chí Minh ưu tiêu tiêu thụ nông sản nội địa

Ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh trong những ngày đầu tháng 6/2021 đến nay, sức mua mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương có xu hướng tăng cao so với thời điểm tháng 5/2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN