Hội nghị đã thu hút nhiều đại diện các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản tham dự, đóng góp ý kiến để thúc đẩy các hoạt động đầu tư, thương mại và du lịch từ Nhật Bản vào Hà Nội.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh Hà Nội có vị trí, vai trò là "Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia”, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và hội nhập quốc tế; một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước.
Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nói chung và thành phố Hà Nội với Nhật Bản nói riêng tiếp tục được củng cố, phát triển, thành phố Hà Nội đánh giá đây là cơ hội tốt để tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư của Nhật Bản.
Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: “Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại Hà Nội -Nhật Bản 2024” được tổ chức nhằm tiếp tục quảng bá hình ảnh tốt đẹp, môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả, minh bạch, bình đẳng của Hà Nội tới các đối tác Nhật Bản. Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cam kết chính quyền thành phố Hà Nội luôn coi trọng và sẵn sàng tạo những điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm, đầu tư, kinh doanh tại Hà Nội - “Thành phố - Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu đánh giá sự tham dự đông đảo của đại diện doanh nghiệp 2 nước Việt Nam và Nhật Bản thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng.
Đại sứ đánh giá trên cơ sở quan hệ hữu nghị hai nước, Nhật Bản hiện là đối tác đầu tư và thương mại lớn của Việt Nam trong đó, thành phố Hà Nội là một trong những địa phương thu hút được nhiều hoạt động đầu tư và thương mại từ Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực ngành nghề đa dạng.
Theo Đại sứ, thành phố Hà Nội nói riêng đã luôn nỗ lực giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng hài hòa lợi ích, tuân thủ nghiêm túc các cam kết hội nhập quốc tế và đáp ứng các thông lệ tốt trên thế giới về khuyến khích và bảo hộ lợi ích các nhà đầu tư.
Đại sứ nhấn mạnh thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa và xã hội mà còn là một trong hai cực tăng trưởng kinh tế, là trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ của cả nước; là cầu nối quan trọng để đất nước hội nhập với cộng đồng quốc tế, nơi thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới... Với vị trí địa lý thuận lợi cả về đường bộ, sắt, thủy, hàng không, dễ dàng kết nối với các tỉnh, thành phố trong nước và cả quốc tế cùng với cơ sở hạ tầng phát triển ngày càng đồng bộ, Hà Nội đã và đang trở thành “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư.
Đại sứ bày tỏ tin tưởng thông qua hội nghị, ngoài việc nắm bắt, cập nhật các thông tin về thành phố Hà Nội, đây cũng là cơ hội các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo thành phố và các doanh nghiệp, cùng tạo dựng những mối quan hệ hợp tác hiệu quả, thiết thực trong tương lai.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cam kết tiếp tục cùng thành phố Hà Nội và các tỉnh/địa phương Việt Nam đồng hành cùng các doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Nhật Bản trong quá trình hợp tác, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch JETRO, ông Katsunori Nakazawa, đã chia sẻ cảm xúc trước vẻ đẹp, sự phát triển và sức sống của thủ đô Hà Nội trong chuyến công tác đầu tháng 10. Ông bày tỏ hy vọng thông qua hội thảo và kết nối ngày hôm nay, sẽ có những trao đổi thiết thực giữa giới chức thành phố Hà Nội với phía Nhật Bản, từ đó thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư giữa hai bên.
Tại hội nghị, ông Trần Đắc Trung - Phó trưởng Ban Khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, đã giới thiệu về tiềm năng và lợi thế của điểm đến đầu tư này. Ông cho biết khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc là một trong những dự án đặc biệt quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Thành phố Hà Nội đã và đang quan tâm đặc biệt đến việc phát triển Khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, kỳ vọng sẽ là một khu vực trung tâm của đô thị phía Tây Hà Nội, là một cực phát triển mới lấy khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực làm động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Trần Đắc Trung cho biết hiện nay, đã có một số tổ chức, doanh nghiệp lớn ở Nhật Bản đang đầu tư tại địa điểm này như Tập đoàn Nissan, Tập đoàn Nidec, Trường Đại học Việt - Nhật… Ông nhấn mạnh với tiềm năng và lợi thế của mình, Khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc mong muốn có nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản đến đầu tư và cam kết luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để nơi này là một điểm đến của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Trình bày tham luận tại Hội nghị, ông Takayuki Ishida, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản (VI-JA CID), cho biết VI-JA CID đã kết hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) và tập đoàn N&G - Việt Nam tổ chức nhiều chương trình như: Hội thảo giới thiệu về “Chứng nhận AS9100 - Hệ thống quản lý chất lượng ngành hàng không tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu”, hướng dẫn đào tạo qui trình sản xuất, đào tạo công nhân kỹ thuật cao, kết nối đặt hàng sản xuất, nguồn vốn vay ưu đãi với chi phí thấp từ Nhật Bản, tiếp nhận máy móc và công nghệ Nhật Bản …
Trong quá trình tư vấn và hợp tác với các doanh nghiệp vùng Kobe Nhật Bản và các doanh nghiệp FDI tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip), VI-JA CID nhận thấy các doanh nghiệp FDI nói chung đều đang có nhu cầu lớn về nhà ở công nhân và chuyên gia tại đây. Ông Ishida bày tỏ mong muốn chủ đầu tư Hanssip cũng như chính quyền thành phố Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi, môi trường pháp lý thông thoáng nhằm đáp ứng kịp thời về tiến độ đầu tư xây dựng cũng như nhu cầu nhà ở công nhân, nhà ở cho cán bộ, chuyên gia cho các công ty Nhật Bản và các doanh nghiệp FDI đang đầu tư sản xuất tại Hanssip trong thời gian tới, bắt kịp tiến độ cùng với việc các nhà máy đi vào hoạt động sản xuất ngay đầu năm 2025.
Ông Ishida cho biết hiện nay, các doanh nghiệp 2 bên đã và đang nỗ lực hình thành, phát triển Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Nhật Bản tại Hanssip. Ông đánh giá thành phố Hà Nội có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cả về hạ tầng cơ sở, con người và môi trường đầu tư tại đây. Đặc biệt lãnh đạo của thành phố luôn quan tâm hỗ trợ, lắng nghe ý kiến các nhà đầu tư nước ngoài, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc kịp thời.
VI-JA CID là doanh nghiệp được thành lập có nguồn vốn góp từ Nhật Bản với mục đích giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam và Hà Nội, hỗ trợ các công ty Việt Nam cùng tham gia chuỗi sản xuất Nhật bản và toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao.
Ông Phạm Văn Khanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Katao Sogo, cho biết với tư cách là đại diện của Hanshiba tại Tokyo, công ty Katao Sogo đóng vai trò là cầu nối giữa các công ty Hà Nội và các công ty Nhật Bản.
Ông Phạm Văn Khanh cho biết nhằm đẩy mạnh mẽ lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Katao Sogo đang triển khai nhiều chương trình hợp tác với Hiệp hội Hanshiba, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực linh kiện hàng không vũ trụ và đường sắt tốc độ cao, sản xuất các sản phẩm công nghiệp, đầu tư và thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh. Ông Khanh cho rằng đây là những lĩnh vực đòi hỏi trình độ công nghệ cao và là những lĩnh vực cực kỳ khó khăn nhưng lại là lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao và có tác động không nhỏ đến các ngành công nghiệp khác ở Việt Nam.
Ông Phạm Văn Khanh cho rằng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Hà Nội cần phát triển hạ tầng các khu công nghiệp đặc biệt dành cho công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao. Ông cũng đề xuất chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho các sinh viên, kỹ sư, kỹ thuật viên quốc tế đã học tập và làm việc tại Nhật Bản quay trở lại Hà Nội khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và thành lập công ty 100% Việt Nam. Ông đề nghị chính quyền thành phố Hà Nội quan tâm đến sự phát triển của lĩnh vực này và xây dựng các chính sách đặc biệt để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới.