Thời điểm này thanh long vụ nghịch tại Xuyên Mộc đang vào cuối vụ sản xuất, giá bán thanh long đang tăng khá cao, tuy nhiên, do thời tiết năng nóng kéo dài khiến sản lượng thanh long giảm mạnh. Do vậy, dù có giá cao nhưng người trồng thanh long không được hưởng lợi nhiều.
Hiện, thanh long ruột trắng đang được thương lái thu mua khoảng 15.000-18.000 đồng/kg và thanh long ruột đỏ từ 30.000-35.000 đồng/kg (tăng từ 10.000 – 13.000 đồng/kg) so với cách đây 2 tuần. Đây là mức giá cao, giúp nông dân thu lợi nhuận tốt, tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước nên nguồn cung khan hiếm, nông dân ít có hàng để bán.
Gia đình ông Trần Văn Thiệu, ở ấp 1, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc có 1 ha thanh long ruột đỏ - 1.000 trụ sắp cho thu hoạch. Do sản xuất vụ nghịch – chong đèn vào mùa khô, nguồn nước tưới năm nay thiếu hụt nên sản lượng giảm đáng kể - chỉ đạt 2 tấn trái, bằng 50% so với những lứa sản xuất trước đây.
"Khi có nước đầy đủ, bón phân, chăm sóc ước mỗi trụ đạt khoảng 30 kg trái, nhưng do thiếu nưới tưới sản lượng rất thấp chỉ còn 10-15kg”, ông Triệu chia sẻ.
Tương tự, vườn thanh long ruột đỏ 2 ha của ông Trần Văn Hiền cũng ở ấp 1, xã Bưng Riềng còn khoảng 1 tuần nữa là cho thu hoạch, tuy nhiên sản lượng chỉ được 2 tấn – thay vì hơn 7 tấn như lứa nghịch vụ mọi năm. Trong khi đó, ông Hiền đã đầu tư cho vụ này hơn 50 triệu đồng. Với giá bán hiện tại, sau khi trừ chi phí ông chỉ còn lãi hơn 20 triệu đồng – giảm 1/3 lợi nhuận.
“Nếu như không mất nước thì cây thanh long giữ được cành đẹp, bây giờ thiếu nước nên sản lượng tụt giảm”, ông Hiền chia sẻ.
Tỉnh hiện có khoảng 712 ha thanh long, tập trung chủ yếu tại huyện Xuyên Mộc. Nhiều diện tích thanh long ở xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc cũng trong tình cảnh giảm sản lượng do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, nguồn nước giảm. Để duy trì tạm thời cho cây thanh long, nhiều nhà vườn phải tốn chi phí sử dụng máy bơm nước từ hồ Sông Hỏa về trữ để phục vụ tưới tiêu, song nguồn nước này cũng hạn chế.
Theo nông dân trồng thanh long, một trong những nguyên nhân dẫn đến khan hiếm nguồn cung là do tình hình hạn hán, thiếu nước diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng lớn đến việc nông dân xử lý chong đèn trái vụ; tỷ lệ ra bông, đậu trái chỉ đạt 50 - 60%. Do đó sản lượng thanh long giảm là điều tất yếu..
Ông Nguyễn Quốc Đại, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuyên Mộc cho biết, trước tình hình khô hạn, ngành nông nghiệp huyện Khuyến cáo nhân dân không nên sản xuất nghịch vụ vào thời điểm mùa khô, nắng nóng như hiện nay, nhất là các vùng khan hiếm nước sản xuất. Việc sản xuất trong điều kiện thiếu nước tưới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây sau này, cây dễ dẫn đến suy kiệt và chết.
Đối với những cây trồng ngắn ngày, nông dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng; sử dụng các giống thích nghi với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước hạn hán như: tưới tự động, tưới nhỏ giọt, phun sương,... để tiết kiệm sử dụng nước hiệu quả.
Đến nay, Phòng Nông nghiệp huyện đã khuyến cáo bà con về mức độ chịu hạn hán, xâm nhập mặn của một số loại cây trồng phổ biến để người dân biết và lấy nước tưới cho phù hợp; kiên quyết không để người dân sản xuất ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuyên Mộc cũng khuyến cáo, nông dân cần sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí, có kế hoạch tưới phù hợp. Đặc biệt, nông dân cũng nên lưu ý những khuyến cáo của chính quyền địa phương trước các đầu mùa vụ để có kế hoạch tổ chức, sản xuất sao cho hợp lý, tránh ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.