Cùng với sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, nhiều nước trên thế giới đã thành công khi xây dựng mô hình đô thị thông minh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, tăng cường quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Ở Việt Nam, phát triển đô thị thông minh chính là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.
Về định hướng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 về Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 950), nhằm đóng góp vào việc triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia thông qua phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh.
Qua tìm hiểu, cả nước hiện có 41/63 tỉnh, thành phố đang xây dựng đô thị thông minh, trong đó bao gồm 27 địa phương xây dựng đô thị thông minh toàn tỉnh và 14 địa phương xây dựng đô thị thông minh trực thuộc tỉnh. Nhìn chung các đô thị Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu triển khai phát triển đô thị thông minh theo tinh thần của Đề án 950.
Bên cạnh lợi thế là sự ủng hộ từ chính quyền Trung ương, các đô thị còn đang lúng túng trong việc xác định mô hình đô thị thông minh phù hợp với đặc điểm của mình. Chính vì vậy, việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã thành công trong phát triển đô thị thông minh là vô cùng quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là học hỏi từ các nước châu Á có một số đặc điểm tương đồng, nhất là Hàn Quốc.
Ngày 12/5/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký quyết định số 38/QĐ-BXD Phê duyệt văn kiện hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thực hiện Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng”. Dự án VKC nhằm mục đích thành lập trung tâm chuyên nghiệp thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tiên tiến để đóng góp vào sự phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, từng bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững đến năm 2030 và tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam - Hàn Quốc nói chung, giữa Bộ Xây dựng Việt Nam - Bộ Đất đai, hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc nói riêng.
Dự án VKC được triển khai thực hiện sẽ góp phần đẩy nhanh công tác thực hiện Đề án 950 thông qua việc xây dựng Hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam và các hoạt động tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ về đô thị thông minh.
Để triển khai dự án, Bộ Xây dựng giao Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Cục Phát triển đô thị, Vụ Quy hoạch kiến trúc và các đơn vị liên quan phối hợp với Viện Kỹ thuật công trình và Công nghệ Xây dựng Hàn Quốc (KICT), Viện Nghiên cứu định cư con người Hàn Quốc (KRIHS), Tập đoàn đất đai và nhà ở Hàn Quốc (LH), Cơ quan công nghệ hạ tầng tiên tiến Hàn quốc (KAIA) làm chủ dự án.
Học viện có trách nhiệm giám sát tiến độ, chất lượng, điều phối và trực tiếp thực hiện, khai thác, sử dụng kết quả đầu ra dự án; đồng thời, tăng cường năng lực đào tạo, trao đối công nghệ và hợp tác đào tạo công nghệ về đô thị thông minh.
Dự án “Thành lập trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng" sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ hoàn thiện thể chế, pháp luật về phát triển đô thị thông minh, nâng cao năng lực của các cơ quan hoạch định chính sách, các cấp quản lý tại các địa phương.