Thanh Hóa phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới

Đến thời điểm này, Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành công tác điều tra đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí, trong đó, có 12 xã đạt từ 12 đến 13 tiêu chí, 11 xã đạt từ 10 đến 11 tiêu chí, 59 xã đạt từ 8 đến 9 tiêu chí, 215 xã đạt từ 5 đến 7 tiêu chí, 277 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Ở 11 xã được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), việc tập trung phát triển sản xuất, lồng ghép đào tạo nghề, tạo việc làm, dồn điền, đổi thửa để tổ chức lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đã được chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả.

Xây dựng nông thôn mới từ những mô hình điểm

Nét nổi bật trong chương trình xây dựng NTM ở Thanh Hóa là các xã được chọn thí điểm xây dựng NTM đã chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức, triển khai những việc làm phù hợp với yêu cầu xây dựng NTM trong điều kiện thực tiễn cơ sở.

Cơ giới hóa đồng ruộng phục vụ xây dựng nông thôn mới.


Điển hình như xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, nhờ sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất từ cán bộ đến nhân dân, năm 2011, xã đã huy động được trên 20 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó có hơn 10 tỷ đồng là do nhân dân đóng góp, số còn lại là nguồn vốn từ các dự án, sự hỗ trợ của Nhà nước. Với số vốn này, Thiệu Trung đã nhựa hóa được gần 6 km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng gần 2 km kênh mương nội đồng, xây dựng hệ thống cống, rãnh thoát nước trong khu dân cư; xây dựng nhà văn hóa xã. Ngoài ra, xã còn vận động nhân dân xây dựng được thêm 30 nhà kiên cố, chỉnh trang nhà ở và các công trình phục vụ đời sống, sinh hoạt...

Đặc biệt, xã tổ chức được 6 lớp đào tạo, cấp chứng chỉ nghề cho 195 lao động địa phương... Đầu Xuân 2012, diện mạo Thiệu Trung đã có nhiều khởi sắc, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp hơn, nhà cửa khang trang hơn, người dân mỗi thôn đã có nhà văn hóa riêng để vui xuân nhưng quan trọng hơn cả, tư duy của người dân trong xã đã đổi mới, mọi việc mà xã Thiệu Trung làm được trong suốt 1 năm trên lộ trình xây dựng NTM đều hợp với ý Đảng, lòng dân.

Ở những địa phương điển hình chúng tôi cảm nhận được sự đồng thuận, quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền và quần chúng nhân dân. Địa phương nào làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục, đội ngũ cán bộ năng động, nhiệt tình, dám nghĩ, dám làm, nêu gương trước nhân dân thì nơi đó công tác quy hoạch xây dựng NTM được triển khai sớm, đạt kết quả cao.

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Thanh Hóa đang đề ra mục tiêu đến hết năm 2012 sẽ có 4 xã điểm của tỉnh cơ bản hoàn thành tiêu chí NTM, 7 xã điểm còn lại hoàn thành thêm 3-5 tiêu chí và các xã còn lại hoàn thành từ 2-3 tiêu chí để hướng đến năm 2015 toàn tỉnh có 20% số xã hoàn thành tiêu chí NTM…

Tuy nhiên, theo nhận định của Ban chỉ đạo chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, việc triển khai xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, yếu kém và khó khăn. Đó là một bộ phận cán bộ và nhân dân nhận thức về mục tiêu, quan điểm, giải pháp, lộ trình xây dựng NTM chưa đầy đủ, xuất hiện tư tưởng nóng vội trong xây dựng NTM. Bên cạnh đó là tư tưởng băn khoăn, thậm chí hoài nghi về tính khả thi của chương trình, sự trông chờ, ỷ lại, ngại khó, chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Ngoài ra nguồn vốn cho chương trình xây dựng NTM còn hạn chế so với yêu cầu, cụ thể mỗi năm Thanh Hóa cần khoảng 2.500 tỷ đồng nhưng riêng năm 2011 Thanh Hóa mới chỉ được hỗ trợ gần 81 tỷ đồng (bằng 2,7% yêu cầu)... Đó là những khó khăn không nhỏ trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Để từng bước khắc phục khó khăn, thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra, Thanh Hóa tập trung triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt chương trình xây NTM trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời huy động sự vào cuộc một cách đồng bộ, ráo riết của cả hệ thống chính trị, trong đó cấp ủy Đảng, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ và các tổ chức đoàn thể là lực lượng nòng cốt trong quá trình thực hiện cuộc vận động. Năm 2012, Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh thực hiện dồn điền, đổi thửa, chuyển đất công ích vào vị trí quy hoạch các khu trang trại tập trung, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để giảm chi phí giải phóng mặt bằng, tạo môi trường, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Cùng với những tiềm năng, lợi thế sẵn có và sự quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, chắc chắn công cuộc xây dựng NTM ở Thanh Hóa sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nơi này.

Hoa Mai

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN