Ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết trong bối cảnh tình hình kinh tế nói chung vẫn còn nhiều khó khăn từ các tác động của đại dịch COVID-19 và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ vẫn duy trì được động lực tăng trưởng tích cực. Theo số liệu thống kê trong 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 96,2 tỷ USD tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021 (chiếm 17,2 % tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước là 558 tỷ USD), trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 85,1 tỷ USD tăng 23,7% (chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022). Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 5 của Mỹ, xét về xuất khẩu, Việt Nam đứng thứ 6 về tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, chiếm khoảng 4% tổng nhập khẩu của Mỹ từ các đối tác. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục giữ vững đà tăng, dẫn đến thặng dư thương mại lớn, đạt 74 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Mexico, tập trung vào các mặt hàng: dệt may đạt 13,8 tỷ USD tăng 19,4%, giày dép 7,7 tỷ USD tăng 38,7%, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,6 tỷ USD tăng 1,9%, thuỷ hải sản, nông sản (gồm rau quả, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, gạo...), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 22 tỷ tăng 32%, máy móc thiết bị phụ tùng đạt 15 tỷ USD tăng 29%.
Tuy nhiên, một số mặt hàng giảm kim ngạch xuất khẩu so với năm 2021, cụ thể là hạt điều đạt 630 triệu USD giảm 19%, sắt thép đạt 700 triệu USD giảm 11% (tổng xuất nhập khẩu 2021 đạt 111,4 tỷ USD trong đó xuất khẩu đạt 96,2 tỷ USD và nhập khẩu đạt 15,2 tỷ USD). Xu thế giảm nhập khẩu hàng từ các nước, trong đó có Việt Nam, cụ thể tháng 9 là 8,1 tỷ USD giảm 17,9% so với tháng 8, tháng 8 so với tháng 7 giảm 0,8 và tháng 7 giảm 6,9 % so với tháng 6 do Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, lạm phát tại Mỹ…
Theo nhận định của Bộ Công Thương, nếu duy trì tốc độ như 9 tháng qua, xuất nhập khẩu cả năm 2022 của Việt Nam có thể sẽ đạt trên 740 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối - 9 tháng đầu năm 2022 xuất siêu đạt đạt khoảng 7 tỷ USD, tạo thuận lợi cho việc hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế cả năm (trong đó mục tiêu xuất khẩu chung của Việt Nam tăng 8% trong năm 2022 theo mục tiêu Chính phủ giao).
Tuy nhiên, việc tăng trưởng thương mại trung bình 20%/năm dẫn đến một số mặt hàng đều có thể trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại, như các vụ việc gần đây gồm: mật ong, gỗ dán cứng, tủ gỗ, thép ống với nhiều chủng loại hàng hoá và hình thức điều tra mới gắn với vấn đề an ninh quốc gia và thương mại trên cơ sở vận dụng nhiều đạo luật (mà gần đây nhất là Đạo luật thương mại 1975 - 301…). Trên cơ sở đó, vấn đề thảo luận kinh tế thị trường cũng được Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan Thương vụ tại Mỹ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Mỹ để xử lý, giải quyết, nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, bên cạnh đó, Thương vụ cũng hỗ trợ cung cấp thông tin xác minh doanh nghiệp Mỹ để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, cơ quan Thương vụ tiếp tục đấu tranh bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam…; tiếp tục đối thoại với Mỹ về vấn đề kinh tế thị trường trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá cụ thể gần đây nhất là thông tin về gỗ bạch dương của Nga xuất khẩu vòng qua Việt Nam sang Mỹ, tăng cường cơ chế cảnh báo sớm về các vụ kiện phòng vệ thương mại cũng như phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp liên quan xử lý các vấn đề phát sinh.
Tham tán Đỗ Ngọc Hưng cho biết Thương vụ Việt Nam tại Mỹ quán triệt và triển khai hiệu quả chỉ đạo của Bộ trưởng đối với 5 nhóm nhiệm vụ: (i) nắm bắt, phân tích, đánh giá và tham mưu chính sách của Mỹ có ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa hai nước, (ii) đi sâu nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, (iii) tăng cường kết nối hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, (iv) tìm kiếm, phát hiện, kết nối đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước và (v) tích cực tìm kiếm, kết nối, thu hút đầu tư trong các khâu sản xuất, cung ứng vật tư, vật liệu, thiết bị phục vụ phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Trong thời gian tới, cơ quan Thương vụ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức sự kiện Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ 2022 với chủ đề thay đổi - thách thức - thích ứng do Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) và chính quyền Bang Oregon vào tháng 11/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng trong cuối tháng 11/2022, Thương vụ sẽ phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức đoàn kết nối giao thương với khoảng 40 doanh nghiệp sang tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác trong các lĩnh vực thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Phối hợp tham gia, giới thiệu doanh nghiệp Việt Nam tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các Hội chợ thường niên tại Mỹ để tìm kiếm đối tác và bạn hàng, đổi mới hình thức xúc tiến thương mại thông qua hoạt động trực tiếp và trực tuyến, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trên địa bàn.
Đề cập đến những thế mạnh của Việt nam khi xâm nhập thị trường Mỹ, Tham tán Đỗ Ngọc Hưng cho biết thế mạnh và thuận lợi là việc tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ cũng như việc tổ chức các đoàn Lãnh đạo cấp cao thăm và làm việc giữa hai nước tạo nền tảng quan trọng cho việc phát triển quan hệ kinh tế thương mại song phương. Bên cạnh đó là cơ chế đối thoại chính sách thông qua Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt - Mỹ (TIFA) được triển khai hiệu quả, giúp xử lý nhiều vấn đề gai góc trong quan hệ kinh tế thương mại. Ngoài ra, xung đột thương mại, địa chính trị cũng như tình hình lạm phát sẽ giúp hàng hóa Việt Nam gia tăng thị phần, chiếm lĩnh khoảng trống của hàng hóa Nga, Trung Quốc tại Mỹ. Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thể thay thế trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung từ chuỗi cung ứng toàn cầu như mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng, sắt thép; tiếp tục làm việc và đề nghị phía Mỹ mở cửa thị trường thêm cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Trong bối cảnh hiệu nay, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Về thách thức và khó khăn, Tham tán Đỗ Ngọc Hưng cho biết những rào cản trong pháp luật và các kỹ thuật đối với thương mại cũng là khó khăn không nhỏ với doanh nghiệp Việt Nam. Mỹ được biết đến là quốc gia có hệ thống luật pháp phức tạp và nhiều rào cản kỹ thuật đối với thương mại. Liên tiếp trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp khó khăn về tiêu chuẩn lao động và môi trường khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ; các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ giá; hàng rào kỹ thuật và an toàn thực phẩm… Mỹ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp và rào cản thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Thêm vào đó, xuất khẩu hàng sang Mỹ, các doanh nghiệp còn gặp phải khó khăn về chi phí và những đòi hỏi về tiêu chuẩn năng lực của một doanh nghiệp.
Tham tán Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị rằng một số yếu tố thuận lợi chỉ mang tính chất thời điểm, do vậy để tận dụng cơ hội và phát triển bền vững, doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến công nghệ; nâng cao năng suất lao động; tích cực tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng trong khu vực và toàn cầu; thực thi đầy đủ các quy định của cơ quan chức năng Mỹ, tránh vi phạm các quy định về đầu tư, lao động, môi trường, xuất xứ hàng hoá…
Mỹ là thị trường khổng lồ, đa dạng và có nhu cầu lớn đối với nhiều loại hàng hóa bởi đây là quốc gia đa chủng tộc, GDP trên đầu người cao và đặc biệt người dân ở Mỹ có thói quen mua sắm, dịch vụ tài chính phát triển. Đây thực sự là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Nhờ vậy, số lượng mỗi đơn hàng thường lớn. Mỹ thực sự là cơ hội lớn cho các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam. Tham tán Đỗ Ngọc Hưng cho rằng các doanh nghiệp cần tận dụng cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Theo kết quả “Nghiên cứu về cộng đồng người Mỹ” do Chính phủ Mỹ thực hiện, có khoảng 1,5 triệu người Việt đang sống tại Mỹ, chiếm khoảng 10,5% tổng số người Mỹ gốc châu Á, là cộng đồng lớn thứ tư sau Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines. Ngoài ra, việc tuyết phục được các nhà nhập khẩu Mỹ đang nhập từ các bạn hàng quen thuộc của họ ở các nước khác chuyển sang nhập khẩu hàng của Việt Nam buộc hàng của các doanh nghiệp chúng ta phải rẻ hơn, tốt hơn, độc đáo hơn hoặc phải có cái gì đó hấp dẫn hơn là các bạn hàng quen thuộc của họ, qua đó tiếp tục cải tiến chất lượng, hình thức, mẫu mã.