Thu hoạch cà phê. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN |
Mùa khô của Tây Nguyên thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Đây cũng là giai đoạn cây cà phê phân hóa mầm hoa, hình thành nở hoa, đậu quả, quả non phát triển, là giai đoạn ảnh hưởng quan trọng đến năng suất, sản lượng, chất lượng cà phê của niên vụ sau.
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên đã sử dụng kéo, cưa sắc để cắt cành không mang lá, cành bị gãy, cong, cành mọc sát mặt đất, cành tăm, chồi vượt, cành cà phê thứ cấp mọc ở những vị trí không thuận lợi như cành nằm sâu trong tán lá, cành mọc ngược, mọc chen chúc nhiều cành thứ cấp trên cùng một đốt…
Các nông hộ cũng tổ chức thu gom các cành khô, cành chết đưa ra ngoài các lô cà phê để đốt nhằm tránh lây lan sâu bệnh hại cho các vườn cà phê, vệ sinh dọn sạch cỏ rác, tu bổ, sửa chữa, làm mới các bồn để chuẩn bị tưới nước đợt một cho cà phê trong mùa khô hanh.
Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên cũng đã đầu tư mua phân chuồng ủ hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh để bón mỗi cây từ 3 - 5 kg, đồng thời, bón cân đối đạm, lân, kali và bón bổ sung thêm trung, vi lượng như lưu huỳnh, magiê, canxi, kẽm, sắt, đồng… nhằm góp phần tăng thêm thêm dinh dưỡng cho đất giúp cây cà phê chống chịu hạn trong mùa khô.
Bên cạnh đó, các nông hộ vùng chuyên canh cà phê ở các huyện Cư M’gar, Ea H’Leo, Krông Búk, Krông Pắk (Đắk Lắk), Lâm Hà, Đức Trọng (Lâm Đồng), Đắk Min (Đắk Nông)… ngoài việc sử dụng phân chuồng ủ hoai mục còn sử dụng vở trấu cà phê để làm phân hữu cơ vi sinh để bón thêm cho cây cà phê không những tiết kiệm, hạn chế ô nhiễm môi trường mà còn tăng thêm độ mùn cho đất.
Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê vùng Tây Nguyên cũng đã chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây cà phê sau thu hoạch, nhất là phòng trừ rệp sáp, rệp vẫy, bọ xít….
Nhờ chăm sóc tốt, hầu hết diện tích cà phê sau thu hoạch của vùng Tây Nguyên đã phục hồi phát triển tốt, phấn đấu niên vụ 2017 - 2018 đạt từ 1,3 triệu tấn cà phê nhân trở lên.